Chế biến hải sản xuất khẩu tại Công ty Baseafood, Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN |
Ngay trong những tháng đầu năm 2018, khu vực doanh nghiệp đã đón nhận những tín hiệu tích cực khi số lượng doanh nghiệp thành lập mới đạt cao so với năm trước. 2 tháng đầu năm nay, cả nước có 18.703 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 197,3 nghìn tỷ đồng, tăng 29,4% về số doanh nghiệp và tăng 29,3% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 10,5 tỷ đồng.
Nếu tính cả 337,3 nghìn tỷ đồng của hơn 5.900 lượt doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 2 tháng đầu năm 2018 là 534,6 nghìn tỷ đồng.
Bên cạnh đó, còn có 6.878 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 13,8% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 2 tháng đầu năm nay lên 25.600 doanh nghiệp.
Lý giải việc thành lập doanh nghiệp mới, ông Nguyễn Văn Sơn, đại diện một doanh nghiệp vừa được thành lập đầu tháng 2/2018 cho biết, ông đứng ra thành lập doanh nghiệp sau một thời gian được làm việc trong môi trường chuyên nghiệp của một doanh nghiệp xây dựng lớn và đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm nên mong muốn tự mình kinh doanh, được thử sức mình trong môi trường mới để trưởng thành và tự chủ hơn.
Để có được kết quả trên, bên cạnh sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp, thì ngay từ đầu năm, các bộ, ngành liên quan cũng đã có nhiều giải pháp thúc đẩy khung khổ pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế ra đời và hoạt động.
Theo các chuyên gia kinh tế, để đạt được mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 thì mỗi năm trung bình phải có khoảng gần 150.000 doanh nghiệp thành lập mới, trong điều kiện giả sử là số doanh nghiệp ngừng hoạt động và số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động hàng năm là tương đương nhau.
Để đạt được mục tiêu trên, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Hà Nội cho biết, trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục củng cố hệ thống đăng ký kinh doanh và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp bằng nhiều biện pháp. Hiện nay, Hà Nội đang dẫn đầu cả nước về đăng ký kinh doanh qua mạng với 100% doanh nghiệp đăng ký kinh doanh qua mạng, trong khi đó TP Hồ Chí Minh mới đạt 55%, bình quân cả nước là 45%.
Theo ông Nguyễn Mạnh Quyền, Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội, Sở KH&ĐT đã chỉ đạo mạnh mẽ đối với bộ phận đăng ký kinh doanh để thực hiện cải cách, nhằm tạo sự bứt phá trong thực hiện nhiệm vụ. Sở xác định đăng ký kinh doanh và phát triển doanh nghiệp là lĩnh vực quan trọng. Theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, đến 2020 cả nước đạt 1 triệu doanh nghiệp trong đó Hà Nội được giao nhiệm vụ phải đạt được 400.000 doanh nghiệp.
“Đây là mục tiêu rất lớn mà Chính phủ giao cho TP Hà Nội. Chúng tôi xác định đây là nhiệm vụ dài hơi cho giai đoạn 2018 - 2020”, ông Quyền cho biết.