Báo cáo chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030 vừa được Đại hội XIII của Đảng thông qua. Chủ đề của báo cáo là khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hoá, con người Việt Nam và sức mạnh thời đại, huy động mọi nguồn lực, phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Việt Nam đặt mục tiêu trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào 2030 và là nước phát triển, thu nhập cao vào 2045. Ảnh minh hoạ: Nhà Đầu Tư.
Chiến lược đặt mục tiêu Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào 2030 và trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào 2045.
Báo cáo cũng đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân khoảng 7%/năm, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đến 2030 đạt khoảng 7.500 USD/người, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo đạt và kinh tế số khoảng 30% GDP.
Ông Denis Brunetti, Chủ tịch Ericsson Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào cho biết Việt Nam đã rất sáng suốt đề ra những mục tiêu cụ thể. Việt Nam có đầy đủ yếu tố để hiện thực hóa những mục tiêu này. “Tôi muốn gửi lời chúc mừng đến Đảng và Chính phủ Việt Nam vì đã đề ra được những trọng tâm chiến lược vô cùng đúng đắn xoay quanh phát triển công nghệ và chuyển đổi số. Những mục tiêu phát triển của Việt Nam trong năm 2025, 2030 hay 2045 rất tham vọng nhưng đồng thời cũng khả thi”, ông Denis Brunetti nói.
Đồng tình, ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành AmCham Hà Nội, nhận định Việt Nam từng hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng 6-7%/năm trong quá khứ. Đại diện AmCham Hà Nội tin rằng khi thế giới đẩy lùi đại dịch Covid-19 thành công, Việt Nam sẽ là một trong những nền kinh tế tăng trưởng hàng đầu thế giới trong nhiều năm.
Theo báo cáo chiến lược, 3 đột phá chiến lược được đặt ra. Đầu tiên là thể chế. Báo cáo nêu rõ Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập. Trọng tâm là thị trường các yếu tố sản xuất, nhất là thị trường quyền sử dụng đất, khoa học và công nghệ.
Đột phá chiến lược về nhân lực được xác định tiếp tục phát triển toàn diện nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy giá trị văn hoá và con người Việt Nam. Việc đào tạo nhân lực chất lượng cao, phát hiện, bồi dưỡng nhân tài và có chính sách vượt trội để thu hút, trọng dụng nhân tài, chuyên gia cả trong và ngoài nước được chú trọng. Đặc biệt, chiến lược yêu cầu lấy doanh nghiệp làm trung tâm nghiên cứu phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, ứng dụng công nghệ số. Hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo được phát triển.
Về đột phá hạ tầng, báo cáo yêu cầu tiếp tục hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là ưu tiên phát triển hạ tầng trọng yếu về giao thông, năng lượng, công nghệ thông tin, đô thị lớn, hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu. Đồng thời, hạ tầng số được định hướng phát triển mạnh, xây dựng và phát triển đồng bộ hạ tầng dữ liệu quốc gia, vùng, địa phương kết nối đồng bộ, thống nhất, tạo nền tảng phát triển kinh tế và xã hội số.
Với định hướng phát triển rõ ràng, nỗ lực cải thiện thủ tục hành chính và hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng vào triển vọng kinh doanh tại thị trường Việt Nam.
Ông Nakajima Takeo, Trưởng đại diện JETRO tại Hà Nội, chia sẻ Việt Nam đã rất thành công khi thực hiện các chính sách mở cửa, thu hút đầu tư nước ngoài, tăng trưởng kinh tế. Các doanh nghiệp đều kỳ vọng Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục tiến bước trên con đường đó. “Chúng tôi tin rằng trong các năm tiếp theo với những chính sách sáng suốt về phát triển kinh tế, công nghiệp Việt Nam có thể tận dụng tối đa mọi cơ hội để phát triển”, ông nói.
Ông Ywert Visser, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp EU tại Việt Nam, nhận định: “Dù bối cảnh thế giới có những khó khăn tạm thời, chúng tôi đều tin tưởng vào tương lai tươi sáng của Việt Nam. Theo khảo sát, có tới 30% doanh nghiệp EU mở rộng và 57% doanh nghiệp cho biết duy trì hoạt động tại Việt Nam. Đây là những con số vô cùng tích cực trong thời điểm hiện tại”.
Tương tự, Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam Elsbeth Akkerman cho biết có nhiều doanh nghiệp Hà Lan muốn duy trì, thậm chí mở rộng và thâm nhập sâu hơn hoạt động kinh doanh của mình tại Việt Nam vì đây là thị trường tiềm năng với nhu cầu tiêu dùng ngày càng lớn mạnh.