Cụ thể, GDP quý đầu năm 2021 của Trung Quốc đã tăng kỷ lục 18,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Đối với khu vực ASEAN, con số này là yếu tố quan trọng liên quan đến môi trường bên ngoài, bởi mỗi quốc gia đều đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng của Trung Quốc.
Theo Ban Thư ký ASEAN, Trung Quốc chiếm 14,2% tổng kim ngạch xuất khẩu của ASEAN vào năm 2019, cao hơn Hoa Kỳ với 12,9% và Liên minh châu Âu với 10,8%. Giờ đây, Trung Quốc đang tạo ra "làn gió thuận lợi" với tốc độ tăng trưởng nhanh chóng và triển vọng ổn định.
Theo dữ liệu chính thức được công bố trước đó, xuất khẩu nội địa phi dầu khí của Singapore tăng 12,1% trong tháng 3 so với cùng kỳ năm ngoái. Trên thực tế, quý đầu năm 2021, Singapore đã tăng trưởng trở lại lần đầu tiên trong năm, với dữ liệu sơ bộ cho thấy mức tăng 0,2% do nhu cầu xuất khẩu trong lĩnh vực sản xuất.
Tại Indonesia, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 30,5% so với cùng kỳ năm ngoái - mức cao nhất trong gần 4 năm - nhờ cải thiện điều kiện với các đối tác thương mại chính, đặc biệt là Trung Quốc. Tính đến hết tháng 3/2021, Trung Quốc vẫn là điểm đến xuất khẩu lớn nhất của Indonesia.
Đáng chú ý, xuất khẩu phi dầu khí sang Trung Quốc tăng khoảng 63% trong quý đầu năm, và hơn 80% chỉ trong tháng 3 so với cùng kỳ năm ngoái. Các mặt hàng chính được xuất khẩu sang Trung Quốc trong giai đoạn này bao gồm: sắt, thép, than đá và dầu cọ. Các nhà chức trách nhận định rằng điều này cho thấy mối liên hệ chặt chẽ với hoạt động sản xuất ổn định của Trung Quốc.
Các chuyên gia kinh tế tại United Overseas Bank lý giải, do các mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Indonesia sang Trung Quốc là các sản phẩm dựa trên tài nguyên thiên nhiên, vậy nên quốc gia này đang ở một vị thế tốt.
"Cho đến nay, xuất khẩu đã được phục hồi đáng kể, cùng với xu hướng tăng giá hàng hóa kể từ quý 4/2020. Bên cạnh đó, Trung Quốc đã chấm dứt nhập khẩu than từ Australia, như một phần của tranh chấp chính trị đang diễn ra giữa hai quốc gia. Các hạn chế đối với nhập khẩu từ Australia có hiệu lực từ nửa cuối năm ngoái, khiến Trung Quốc quay sang Indonesia để lấp đầy khoảng trống", các chuyên gia nhấn mạnh.
Theo cơ sở dữ liệu của CEIC, báo cáo số liệu thương mại tháng 3 của Việt Nam cho hay, xuất khẩu tổng thế của quốc gia này đã tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái.
Malaysia vẫn chưa công bố dữ liệu tháng 3, nhưng theo thông tin từ Chính phủ, xuất khẩu sang Trung Quốc đã tăng 35,8% trong tháng 2, chủ yếu là xuất khẩu các sản phẩm điện tử, dầu mỏ. Xuất khẩu của Thái Lan sang Trung Quốc cũng tăng 14% trong tháng 2.
Hầu hết tại các nước Đông Nam Á, xuất khẩu đã sụt giảm vào đầu năm ngoái do các đợt đóng cửa trong giai đoạn đại dịch, ngoại trừ các nguồn cung cấp thiết yếu như dược phẩm. Một số nền kinh tế định hướng xuất khẩu, chẳng hạn như Singapore và Thái Lan, đã cảm nhận được ảnh hưởng của suy thoái thương mại toàn cầu do căng thẳng Mỹ - Trung.
Mặt khác, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đã làm dấy lên hy vọng về động lực thương mại lớn hơn trong khu vực. Hiệp định thương mại gồm 15 thành viên, được ký vào tháng 11 năm ngoái, bao gồm các nước khối ASEAN, Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc.
Tuần trước, Trung Quốc đã hoàn tất quá trình phê chuẩn RCEP chính thức, trở thành quốc gia thứ hai hoàn tất sau Singapore . Các thành viên của hiệp ước thương mại lớn nhất châu Á hy vọng RCEP sẽ có hiệu lực vào tháng 1/2022.