Ông Ahmed Mazhari, chủ tịch Microsoft châu Á nhận định khu vực châu Á đang thay đổi "cuộc chơi công nghệ", đổi mới toàn cầu bằng các siêu ứng dụng của mình.
Phát biểu tại Diễn đàn Nikkei Đổi mới châu Á ngày 20/1, ông Ahmed Mazhari nói: "Một loạt các công ty tiên phong về kỹ thuật số, di động trong khu vực đang thay đổi. Những đổi mới chính liên quan đến các siêu ứng dụng, bán lẻ trực tuyến, ứng dụng video dạng ngắn… Sự đổi mới của châu Á là đổi mới sáng tạo, kiến thức và công nghệ".
Ông Mazhari đang đề cập đến các công ty cung cấp dịch vụ dựa trên điện thoại thông minh như Grab của Singapore hay ByteDance của Trung Quốc. Tham vọng của các công ty sẽ thúc đẩy hệ sinh thái tạo ra nhiều đổi mới cho nền kinh tế châu Á. Các mô hình kinh doanh từ châu Á hiện đang được áp dụng, triển khai ở một số nước phát triển.
Đại dịch Covid-19 một mặt cũng giúp nền kinh tế kỹ thuật số của châu Á phát triển nhanh chóng, với nhiều lĩnh vực tăng trưởng vượt bậc. Một trong những lĩnh vực như vậy là Fintech. Đây là một đặc điểm riêng của các thị trường mới nổi.
Dịch vụ thanh toán di động MoMo (Công ty M-Service Việt Nam) gần đây đã huy động được 200 triệu USD thông qua một nhóm các nhà đầu tư do Ngân hàng Mizuho của Nhật Bản. MoMo từ đó cũng trở thành kỳ lân tiếp theo của Việt Nam.
Ông Nguyễn Mạnh Tường, Tổng giám đốc của MoMo cho biết, "cuộc cách mạng di động", hay sự thâm nhập của điện thoại thông minh, là yếu tố thay đổi cuộc chơi đối với công ty công nghệ. Ông Tường chia sẻ: "Ở Việt Nam bây giờ, việc sử dụng điện thoại thông minh quá phổ biến. Ngay cả ở các vùng nông thôn, mức độ sử dụng điện thoại thông minh là rất cao".
MoMo trở thành 'kỳ lân' sau vòng gọi vốn 200 triệu USD
MoMo đã có hơn 30 triệu người dùng trên tổng số gần 100 triệu dân Việt Nam. Công ty cho biết sẽ mở rộng quan hệ đối tác kinh doanh để cung cấp nhiều sản phẩm tài chính hơn trên ứng dụng của mình trong vòng 3-5 năm tới.
Sự phát triển của các công ty Fintech cũng tạo ra sự cạnh tranh trong ngành tài chính. Các ngân hàng truyền thống đã và đang triển khai các giải pháp kỹ thuật số để mở rộng phạm vi tiếp cận của họ đến các phân khúc mới.
Ngân hàng Thương mại Siam, một trong những ngân hàng lớn nhất Thái Lan, đã ra mắt công ty Fintech, SCB Abacus vào năm 2017. Công ty Fintech này cung cấp dịch vụ cho vay trực tuyến nhanh chóng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. SCB Abacus đã thu hút các nhà đầu tư bên ngoài và huy động được 12 triệu USD trong vòng gọi vốn loạt A vào tháng 9/2021.
Ngân hàng Trung ương Singapore gần đây đã cấp giấy phép cho ngân hàng kỹ thuật số đầu tiên của Grab, dự kiến sẽ bắt đầu hoạt động trong năm nay. Grab vốn đã có lượng khách hàng tiêu dùng và khách hàng SME khổng lồ thông qua các hoạt động kinh doanh hiện tại, chẳng hạn như đặt xe, thương mại điện tử và thanh toán di động.
Ngân hàng mới của Grab có thể là mối đe dọa đối với các ngân hàng truyền thống. Tuy vậy, ngân hàng lớn nhất của Singapore, DBS Group Holdings, cho biết họ khá tự tin khi cạnh tranh với "những người mới" tham gia vào thị trường vì họ cũng đang đầu tư mạnh vào số hóa.
Shee Tse Koon, Giám đốc của DBS tại Singapore, nhận định, việc cạnh tranh về giá - một chiến lược thường được các công ty khởi nghiệp công nghệ ưa chuộng - là "không bền vững" vì tỷ suất lợi nhuận ngân hàng Singapore thường không cao.
Nikkei Asia