Nhu cầu về smartphone và phụ kiện trên toàn cầu đang tăng mạnh mẽ, thúc đẩy quá trình phục hồi của một số nền kinh tế khu vực Đông Nam Á. Trong khi đó, nhiều nền kinh tế khác vẫn tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề do hoạt động sản xuất yếu kém.
Báo cáo Malaysia chỉ rõ, kim ngạch xuất khẩu tháng 4 của quốc gia này đạt mức 25,5 tỷ USD, tăng 63% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả này được thúc đẩy bởi hoạt động sản xuất lĩnh vực chất bán dẫn và các sản phẩm điện tử khác, chiếm 1/3 tổng số lô hàng xuất đi.
Nhìn chung, số lượng lớn người tiêu dùng quốc tế vẫn đang phải áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội, thúc đẩy hoạt động mua sắm thiết bị điện tử và công nghệ mới, tạo động lực cho Malaysia trong việc sản xuất chip và các thiết bị khác.
"Malaysia là đối tác thương mại về chất bán dẫn lớn nhất của Hoa Kỳ, chiếm 24% thị phần. Điều này đã thúc đẩy Malaysia trở thành trung tâm lắp ráp, thử nghiệm, đồng thời là điểm đến đầu tư của các nhà sản xuất thiết bị và dụng cụ bán dẫn", Thứ trưởng Bộ Thương mại Quốc tế và Công nghiệp Malaysia, ông Lim Ban Hong cho hay.
Malaysia hiện đang hưởng lợi từ việc phục hồi của hai nền kinh tế lớn Trung Quốc và Hoa Kỳ. Việt Nam và Singapore cũng đang hưởng lợi tương tự. Xuất khẩu từ Việt Nam sang Hoa Kỳ đang được thúc đẩy mạnh mẽ bởi các nhà sản xuất, điển hình như Samsung. GDP quý đầu của năm 2021 Việt Nam tăng 4,48% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 3,68% của quý 1/2020.
Vừa qua, Singapore đã điều chỉnh tăng trưởng GDP trong quý 1 lên 1,3% từ kết quả sơ bộ là 0,2%, do nhu cầu xuất khẩu tăng mạnh. Trong khi cả Việt Nam và Singapore đều thắt chặt các biện pháp phòng chống sự lây lan của dịch bệnh, dẫn đến lĩnh vực dịch vụ và du lịch chưa thể phục hồi, thì các hoạt động trong lĩnh vực sản xuất lại có thể bù đắp những ảnh hưởng tiêu cực đó.
Trong khi đó, nhiều quốc gia đang chứng kiến sự sụt giảm GDP do thiếu động lực thúc đẩy hoạt động sản xuất, phục hồi kinh tế. Theo số liệu của cơ quan thống kê Philippines, GDP của nước này trong quý 1 vừa qua đã giảm 4,2% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu quý giảm thứ 5 liên tiếp trong bối cảnh nước này áp đặt lệnh phong tỏa tại một số khu vực nơi dịch bệnh diễn biến nghiêm trọng.
Ngay cả ở Thái Lan, nơi được mệnh danh là Detroit của châu Á, nhưng ngành sản xuất cũng chỉ tăng ở mức 0,7% trong cùng giai đoạn. Mức tăng trưởng này cũng không thể bù đắp cho những tác động của ngành du lịch, khiến GDP Thái Lan giảm 2,6% quý 1/2021.