Theo Nikkei Asia, một nguồn tin từ Chính phủ Nhật Bản cho biết, Việt Nam sẽ là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên được đưa vào cùng tham gia các thoả thuận chia sẻ dầu mỏ với Nhật, nhằm đảm bảo nguồn cung ứng xăng dầu không bị gián đoạn với các chuỗi cung ứng nước ngoài.
Thỏa thuận này là một phần trong nỗ lực của Nhật Bản nhằm xây dựng các thỏa thuận chia sẻ dầu với Hiệp hội các quốc gia thành viên Đông Nam Á. Theo một đề xuất, mỗi bên tham gia sẽ xây dựng dự trữ dầu thô riêng lẻ, cùng với xăng, nhiên liệu diesel và các sản phẩm dầu mỏ khác, để chuẩn bị cho trường hợp khi nguồn cung bị gián đoạn.
Cả Nhật Bản và các nước ASEAN đều phụ thuộc rất nhiều vào dầu mỏ Trung Đông. Song, trong khi Nhật Bản duy trì lượng dự trữ xăng dầu sẽ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước trong hơn 200 ngày nhờ bài học từ cuộc khủng hoảng năng lượng những năm 1970, thì một số quốc gia Đông Nam Á được cho là chỉ có nguồn cung trong một tháng.
Hơn 60% các chuyến hàng dầu thô đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương đến từ Trung Đông, theo BP. Tính dễ bị tắc nghẽn của các dòng chảy này đã được chứng minh một lần nữa vào tháng trước, khi con tàu chở hàng lớn bị mắc kẹt ở kênh đào Suez, làm gián đoạn chuỗi cung ứng, từ gia súc đến dầu thô. Đây là rủi ro mà các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản và các nhà sản xuất khác hoạt động tại Đông Nam Á phải đối mặt.
Chính phủ Nhật Bản đã lần đầu tiên tiếp cận Việt Nam với đề xuất chia sẻ dầu mỏ. Một khi đại dịch virus Covid-19 dịu đi, Nhật Bản có mục tiêu bắt đầu các cuộc thảo luận tích cực để đạt được thỏa thuận này sớm nhất.
Ngoài ra, Nhật Bản cũng đang tiến hành đàm phán với Indonesia, Thái Lan, Malaysia và các nước ASEAN khác để ký kết các thỏa thuận hợp tác tương tự. Đối với Philippines, Nhật Bản đang xem xét một hình thức khác, trong đó Nhật Bản sẽ đưa ra hướng dẫn về việc xây dựng kế hoạch dự trữ xăng dầu.
Tháng trước, Tập đoàn Quốc gia Dầu khí và Kim loại Nhật Bản (Jogmec), đã cùng Cơ quan Năng lượng Quốc tế và các nhóm khác tổ chức cuộc họp với đại diện của 8 chính phủ ASEAN. Tại đó, phía Nhật Bản đã đề nghị đạt được sự hiểu biết chung về tầm quan trọng của trữ lượng dầu mỏ và hợp tác.
Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng đang tìm cách hợp tác với các nhà sản xuất dầu. Vào tháng 12, Tokyo đã ký một thỏa thuận với Kuwait để xây dựng một kho dự trữ dầu chung ở Nhật Bản. Thỏa thuận cũng có một cơ chế trong đó một số dự trữ có thể được chia sẻ với các quốc gia châu Á thứ ba nếu Nhật Bản và Kuwait đồng ý.
Bất chấp xu hướng toàn cầu đối với việc giảm năng lượng từ carbon, Chính phủ Nhật Bản tin rằng dầu mỏ sẽ vẫn là một nguồn năng lượng chính trong ngắn hạn. Châu Á nói riêng dự kiến sẽ có tăng trưởng kinh tế dồi dào và nhu cầu xăng dầu tăng vọt.
Trong khi đó, Nhật Bản đang hỗ trợ việc áp dụng công nghệ, chẳng hạn như các nguồn năng lượng tái tạo, sẽ làm giảm lượng khí nhà kính trong trung và dài hạn.