Tờ Nikkei Asia (Nhật Bản) nhấn mạnh, Việt Nam đang tiến tới xây dựng một nền kinh tế số lớn mạnh hơn nữa trong năm tới, một phần nhờ vào thúc đẩy sản xuất chất bán dẫn, đồng thời được thúc đẩy bởi mục tiêu trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045 được nêu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Đáng chú ý, trong tuần này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký quyết định ban hành Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2030. Theo đó, mục tiêu của Chương trình nhằm thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Bên cạnh đó, Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị cũng đặt mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm khoảng 20% GDP. Đến năm 2030, con số này dự kiến đạt hơn 30% GDP. Như vậy, việc thúc đẩy chuyển sang các sản phẩm chất lượng cao và có giá trị gia tăng đóng vai trò quan trọng trong việc đạt được các mục tiêu của đất nước.
Các chủ trương, chính sách của Chính phủ Việt Nam được đánh giá là phù hợp với các mục tiêu chính của đất nước: đến năm 2025, Việt Nam sẽ trở thành một nước đang phát triển, vượt qua được mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2045, Việt Nam trở thành một nước phát triển và người dân có mức thu nhập cao.
Ngày 25/1 vừa qua, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng chính thức bắt đầu và diễn ra đến ngày 2/2/2021 tại Thủ đô Hà Nội.
Theo đó, Việt Nam cũng đã thúc đẩy mạnh mẽ ngành công nghiệp sản xuất chip của đất nước, đặc biệt khi các công ty bắt đầu đa dạng hóa chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc. Thực tế cho thấy, Việt Nam đã dần đạt được những kết quả nhất định.
Thứ 3 vừa qua, ban quản lý khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng cho biết vừa cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án nhà máy sản xuất vật liệu bán dẫn United States Enterprises - dự án FDI lớn thứ 2 đầu tư vào khu công nghệ cao Đà Nẵng.
Hai nhà đầu tư là ông Ha Vinh Ly và bà Nhe Thi Le (quốc tịch Mỹ) hiện là chủ sở hữu của Công ty Hayward Quartz Technology INC tại thung lũng Silicon (Hoa Kỳ) đã rót 110 triệu USD vào khu công nghệ cao này.
Tập đoàn Intel - gã khổng lồ bán dẫn của Hoa Kỳ, vừa qua cũng thông tin tiếp tục đầu tư thêm 475 triệu USD vào Intel Products Việt Nam (IPV) nhằm sản xuất các sản phẩm 5G và bộ vi xử lý lõi.
Các khoản đầu tư của nhiều doanh nghiệp Mỹ lần lượt "đổ" vào Việt Nam sau lời đề nghị của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối với Samsung về đầu tư nhà máy sản xuất sản phẩm bán dẫn, góp phần khép kín “chuỗi sản xuất trong lĩnh vực điện, điện tử” của Tập đoàn tại Việt Nam hồi tháng 10/2020.
Trước đó, trang Businesskorea đưa tin rằng ưu tiên hiện tại của Samsung chính là hoàn thiện việc xây dựng trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam, đồng thời sẽ tuyển dụng 3.000 lao động Việt Nam vào năm 2022. Samsung hiện là nhà đầu tư FDI lớn nhất tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư lên tới hơn 17 tỷ USD, mang lại giá trị xuất khẩu 59 tỷ USD chỉ riêng trong năm 2019.
Bên cạnh đó, việc chống đại dịch Covid-19 thành công đã nâng vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, đưa đất nước trở thành điểm đến hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư trong việc đa dạng hóa chuỗi sản xuất khỏi Trung Quốc. Điều này có thể thúc đẩy đất nước vươn lên, trở thành một trung tâm sản xuất công nghệ trong khu vực.
"Tuy nhiên, có hai yếu tố hạn chế khả năng của Việt Nam trong việc tận dụng những lợi thế sản xuất như Trung Quốc cũng như nâng cao chuỗi giá trị, đó là: sự phụ thuộc nhiều vào đầu tư nước ngoài trong hoạt động sản xuất và quy mô dân số còn nhỏ", Trinh Nguyễn, chuyên gia Quỹ Carnegie Endowment vì hòa bình quốc tế (Hoa Kỳ) cho biết.
Việc xây dựng các khu công nghiệp sản xuất chip nội địa là một động thái chứng minh tiềm năng của Việt Nam để vươn lên chuỗi giá trị.
Chiến lược phát triển kinh tế số của Việt Nam bao gồm một loạt các nội dung như Chính phủ điện tử, triển khai hệ thống thanh toán kỹ thuật số và mạng viễn thông 5G. Theo đó, các chính sách liên quan sẽ giúp Việt Nam tận dụng tối đa những thành tựu của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4.