Cuộc đua ra mắt dịch vụ mạng di động thế hệ thứ năm (5G) tại Campuchia đang nóng lên. Các công ty viễn thông lớn đang xây dựng các trạm cơ sở 5G với sự hỗ trợ của nhà cung cấp công nghệ Trung Quốc Huawei Technologies và ZTE. Họ đã đổ hàng trăm triệu USD vốn đầu tư cho lĩnh vực này.
Smart Axiata, một bộ phận của Tập đoàn Axiata (Malaysia) và Cellcard, một công ty viễn thông thuộc sở hữu của Tập đoàn Hoàng gia Campuchia, hy vọng sẽ dẫn đầu khu vực bằng cách phát trực tiếp các dịch vụ thương mại 5G trước cuối năm nay.
CEO Smart Axiata - Thomas Hundt cho biết: thiết bị cho dự án 5G của Smart Axiata ở thủ đô Phnom Penh đang được thiết lập. Các thử nghiệm thực địa gần như đã hoàn tất. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Nikkei, ông cho biết Smart Axiata sẽ sử dụng công nghệ thế hệ tiếp theo của Huawei, công ty này cũng đang cung cấp thiết bị cho mạng 4G hiện có của Smart Axiata.
Smart Axiata đặt mục tiêu khởi động các dịch vụ 5G thương mại sau khi nhận được sự chấp thuận của chính phủ. "Chúng tôi muốn trở thành quốc gia đầu tiên trong ASEAN ra mắt 5G, ông Hundt nói. Ông cũng tiết lộ Smart Axiata sẽ đầu tư 100 triệu USD vào công nghệ 5G trong vòng 3-5 năm tới.
Để làm được điều đó, họ sẽ phải vượt qua Viettel. Ngày 10/5/2019, Viettel cùng với Tập đoàn Ericsson thực hiện kết nối chính thức lần đầu tiên trên mạng di động 5G tại Việt Nam. Việt Nam cũng đang phấn đấu sẽ trở thành nước đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á đưa mạng 5G vào khai thác thương mại từ năm 2020.
CEO Cellcard - Ian Watson cho biết giai đoạn đầu tiên trong việc xây dựng 5G của công ty là thiết lập 500 trạm gốc 5G trải khắp Phnom Penh, Siem Reap và Sihanoukville. Với những trạm đã sẵn sàng, ông cho biết dịch vụ sẽ được ra mắt vào tháng 12. Ông cũng cho biết công ty sẽ hợp tác với ZTE, tăng số lượng trạm gốc lên 2.000 trên toàn quốc trong năm tới.
Ông nói thêm, công ty ông dự định đầu tư khoảng 200 triệu USD vào 5G trong 18 tháng tới. Cellcard sẽ sử dụng công nghệ của Nokia để mở rộng 5G trong tương lai ở khu vực nông thôn, nhưng cũng thừa nhận rằng khả năng kinh doanh đối với dịch vụ bên ngoài khu vực thành thị vẫn còn yếu: "Tôi nghĩ trong vòng 3-5 năm tới, chúng tôi sẽ bắt đầu có lãi từ khoản đầu tư. Vấn đề là, nếu bạn không làm, bạn sẽ bị bỏ lại phía sau".
TC, công ty điều hành các dịch vụ cố định, đã ký một thỏa thuận với Huawei vào tháng 4 để triển khai mạng 5G vào năm 2020.
Chí nh phủ Mỹ đã kêu gọi các nước không hợp tác với Huawei trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng 5G của họ. Nhật Bản và Úc đã đồng tình, một số quốc gia châu Âu thì tỏ ra thận trọng.
Hundt cho biết Smart Axiata đã xem xét các mối quan tâm về bảo mật nhưng nhận thấy rằng "từ quan điểm tổng thể, xét đến các yếu tố công nghệ, hệ thống hỗ trợ và chi phí thì Huawei là lựa chọn tốt nhất".
Marc Einstein, nhà phân tích trưởng tại công ty tư vấn và nghiên cứu công nghệ có trụ sở tại Nhật Bản, cho biết gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Huawei có thể cung cấp thiết bị rẻ hơn so với các đối thủ châu Âu, ông nói.
Dịch vụ 5G đã có sẵn ở một số khu vực của Hoa Kỳ, Hàn Quốc và một số thị trường châu Âu. Trung Quốc sẽ triển khai 5G tại các thành phố lớn ngay trong năm nay.
Campuchia đặt mục tiêu trở thành quốc gia đầu tiên áp dụng công nghệ 5G với hy vọng tăng cường kỹ thuật số. Marc Einstein cho biết việc áp dụng 5G sớm của các công ty viễn thông Campuchia là một dấu hiệu tốt, nhưng phải mất "vài năm" để chúng có thể được đa số người tiêu dùng bình thường chấp nhận.
"Họ có thể cung cấp dịch vụ thương mại 5G đầu tiên ở Đông Nam Á, nhưng trong một vài tháng, sẽ không phải là dịch vụ duy nhất. Dù sao cũng thật tuyệt vời khi Campuchia có 5G", ông nói thêm công nghệ sẽ giúp đất nước phát triển "nhảy vọt" các dịch vụ cố định hiện vẫn còn kém.
Mạng 5G, có thể truyền dữ liệu nhanh hơn 100 lần so với 4G, sẽ giảm độ trễ truyền xuống khoảng một phần mười so với hiện tại.