Đầu tư trực tiếp nước ngoài của các công ty và tập đoàn lớn - động lực chính của toàn cầu hóa - đang suy yếu. Điều này phản ánh tâm lý lo ngại rủi ro trong bối cảnh nhiều quốc gia đang hướng tới chủ nghĩa bảo hộ.
Số lượng dự án đầu tư FDI để xây dựng mới các nhà máy, trung tâm nghiên cứu và văn phòng mới trong 6 tháng đầu năm 2019 đã giảm xuống, chỉ còn tương đương con số dự án của nửa cuối năm 2009.
Theo cơ sở dữ liệu FDI của Financial Times, đầu tư xây dựng mới nước ngoài (GFI), đạt đỉnh 8.152 dự án trong 6 tháng đầu năm 2018, sau đó giảm xuống còn 6.243 trong nửa đầu của 2019.
UNCTAD cho biết số dư chưa giải ngân của FDI toàn cầu, bao gồm các khoản tiền huy động thông qua M&A đạt 30,9 nghìn tỷ USD trong năm 2018, đã giảm 4% và là lần giảm đầu tiên sau 10 năm kể từ năm 2008.
Sự sụt giảm đó đã phản ánh sự dè chừng của các công ty khi đưa ra các quyết định kinh doanh giữa cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Delta Electronics , một nhà sản xuất thiết bị cấp điện của Đài Loan đang tăng cường sản xuất trong khu vực và giảm tỷ lệ sản xuất tại Trung Quốc đại lục. Samsung Electronics cũng đã đóng cửa một nhà máy điện thoại thông minh ở Thiên Tân, Trung Quốc.
Trong vòng 10 năm qua, tỷ trọng các dự án đầu tư vào sản xuất trong số dự án đầu tư ra nước ngoài đã giảm 3%. Nửa đầu năm 2019, đầu tư xây dựng mới vào Trung Quốc, châu Á và châu Âu đã giảm khoảng 30% so với cùng kỳ, vào Nhật Bản đã giảm hơn 20%. GFI vào châu Phi cũng giảm gần 10%.
Căng thẳng thương mại và công nghệ leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc đang ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý kinh doanh. Số lượng doanh nghiệp Mỹ vào Trung Quốc trong nửa đầu năm 2019 đã giảm hơn 10% so với cùng kỳ, xuống còn 104. Đặc biệt, đầu tư trực tiếp cho mục đích sản xuất, như xây dựng nhà máy đã giảm hơn 30%.
Đầu tư trực tiếp vào Mỹ từ Trung Quốc đã sụt giảm mạnh từ hơn 50% xuống còn 30%. Đặc biệt, các khoản đầu tư thiết kế và R&D đã giảm sâu.
Châu Á đóng vai trò cốt lõi trong chuỗi cung ứng thiết bị điện toàn cầu. Số lượng dự án GFI ở khu vực còn lại của châu Á (không bao gồm Nhật Bản và Trung Quốc), đã giảm xuống còn 1.365 trong nửa đầu năm 2019.
Nikkei đánh giá: Ngay cả ở Việt Nam, nơi đang hút dòng vốn đầu tư sản xuất từ Trung Quốc cũng có GFI giảm 50%. Các phát hiện chỉ ra, vì nhu cầu đối với các thiết bị điện tử sụt giảm, vì tình hình kinh doanh trì trệ trong cuộc chiến thương mại, nhiều công ty không muốn xây dựng các nhà máy mới ở Việt Nam. Thay vào đó, họ cố gắng tận dụng các nhà sản xuất hợp đồng đã hoạt động trước đó hoặc nâng cao công suất của các nhà máy hiện tại.
Chính phủ Hoa Kỳ đã đưa ra một ưu đãi thuế để khuyến khích các công ty Mỹ mang tiền từ nước ngoài về đầu tư trong nước. Nhà sản xuất xe thương mại Thụy Điển Volvo Cars đã xây dựng nhà máy đầu tiên ở Mỹ tại Nam Carolina, trong khi DJI của Trung Quốc, nhà sản xuất máy bay không người lái lớn nhất thế giới, đang xem xét thành lập một nhà máy lắp ráp tại Mỹ.
Nhưng Mỹ không phải là một cơ sở sản xuất tối ưu vì tiền lương ở các thành phố của Mỹ cao hơn so với hầu hết các thành phố lớn ở các nước phát triển khác. Chúng cao gấp 10 lần so với ở Mexico.
Sụt giảm GFI đang trở nên trầm trọng hơn bởi nề kinh tế toàn cầu ngày nay không còn đòi hỏi các tập đoàn phải có sự hiện diện trên toàn thế giới. Và cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang mang đến nhiều bất ổn khi làm chậm các hoạt động đầu tư nước ngoài của các tập đoàn.
"Sự chững lại này đang gây áp lực lên tăng trưởng kinh tế trong trung hạn", ông Philipp Harms, giáo sư tại Đại học Johannes Gutenberg của Đức lưu ý.