Trong 20 năm qua, một phần quan trọng đóng góp vào sự bùng nổ tăng trưởng kinh tế ở châu Á chính là kiều hối do lao động xuất khẩu gửi về nước. Từ Manila đến New Delhi, các quan chức đã dựa vào hàng triệu người làm việc ở nước ngoài để gửi tiền về cho gia đình. Đây là một nguồn chính để lấp lỗ hổng trong bảng cân đối của chính phủ và thúc đẩy tiêu dùng trong nước.
Mô hình xuất khẩu lao động đã sống sót qua cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và cả cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung bắt đầu vào năm 2018. Trong năm đó, dòng kiều hối chảy về châu Á đã lần đầu tiên đạt 300 tỷ USD.
Nhưng Covid-19 đang phơi bày chứng "nghiện kiều hối", coi lao động là hàng hóa xuất khẩu chính ở nhiều nước châu Á. Trên toàn cầu, kiều hối từng đạt mức kỷ lục 554 tỷ USD vào năm 2019, vượt qua đầu tư trực tiếp nước ngoài ở nhiều nước thu nhập thấp đến trung bình. Bây giờ, Ngân hàng Thế giới dự đoán con số này sẽ giảm mạnh tới 20% vào năm 2020 xuống còn 445 tỷ USD.
Ấn Độ là điểm đến của 83 tỷ USD kiều hối (khoảng 15% tổng số kiều hối toàn cầu trong năm 2019). Quốc gia này đã mất rất nhiều vốn nước ngoài khi Thủ tướng Narendra Modi vật lộn với tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm nhất trong một thập kỷ và bị Moody hạ cấp triển vọng tín dụng.
Tuy nhiên, Ấn Độ chỉ là một trong một số quốc gia mắc chứng "nghiện kiều hối". Trong một báo cáo ngày 15/5, các nhà phân tích tại Fitch Solutions đã giương cờ cảnh báo về sự bất ổn chính khi kiều hối giảm mạnh ở Ấn Độ, Indonesia, Philippines, Pakistan và Bangladesh. Một điều đáng lo ngại là chủ nghĩa dân tộc xuất hiện sau Covid-19 đã dẫn đến việc các chính phủ kiềm chế dòng người lao động nhập cư.
"5 nền kinh tế kể trên có điểm chung", Fitch nói, là "dân số đông, tương đối nghèo", trong đó "sự hỗ trợ của chính phủ có thể không đủ để bảo tồn và đảm bảo việc làm cho số lượng lớn lao động trong khu vực phi chính thức".
Sự sụp đổ vì Covid-19 đang phơi bày những vết nứt khá lớn trong các nền kinh tế "nghiện kiều hối".
Hãy xem xét Philippines. 12 triệu lao động xuất khẩu gửi về nhà hơn 35 tỷ USD hàng năm, tương đương 1/10 GDP, và họ thường được ca ngợi như anh hùng, với lối đi VIP tại các sân bay Philippines. Bằng cách chịu đựng cuộc sống xa nhà ở New York, Dubai hoặc Hong Kong, họ gián tiếp thúc đẩy kinh tế đất nước.
Tuy nhiên, điều đó khiến Chính phủ Philippines từ những năm 1980 bỏ bê việc tạo ra việc làm. Kể từ năm 2016, Tổng thống Rodrigo Duterte đã làm việc để đưa tài năng ra nước ngoài nhiều hơn. Nói cách khác, ông đã thể chế hóa chính sách của con người là hàng hóa xuất khẩu chính của Philippines.
Xuất khẩu những lao động tốt nhất sẽ làm suy yếu nguồn lao động địa phương, làm cho các nền kinh tế kém năng suất và chậm đổi mới.
Nó cũng làm cho các nền kinh tế dễ bị tổn thương đặc biệt đối với một đại dịch gây ra sự đóng cửa toàn cầu. Indonesia nhận được 43% kiều hối từ các quốc gia thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh ở Trung Đông hiện đang phải chịu ảnh hưởng do giá dầu giảm.
Nikkei nhận định: Việt Nam cũng nhận được dòng kiều hối rất lớn từ Mỹ, chiếm trong gần một nửa dòng tiền ở nước ngoài. Kiều hối tại Việt Nam chiếm tới 6,5% GDP.
Theo báo cáo "Hai mặt của đồng tiền: Câu chuyện của người nhận kiều hối" của Công ty tài chính UniTeller, lao động Việt Nam thuộc nhóm có thu nhập thấp tại nước ngoài trung bình mỗi tháng gửi về 735 USD, cao gấp khoảng 10 lần so với thu nhập 73 USD/tháng của các hộ gia đình nhận tiền tại Việt Nam.
Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam ước tính nhận về 16,7 tỷ USD kiều hối trong năm 2019, tăng 6,4% so với cùng kỳ. Năm 2018, lượng kiều hối thu về là 15,9 tỷ USD. Việt Nam cũng đứng thứ 9 trong số các quốc gia nhận được nhiều kiều hối nhất trên thế giới trong năm 2019.