Ngành dệt may Việt Nam đang gặp khó khi mà số lượng các đơn hàng bất ngờ giảm sâu. Nhiều công ty dệt may sẽ gặp khó. Tổng công ty Dệt may Việt Nam (Vinatex) đang lo ngại về khả năng có thể phải cho tạm nghỉ đến khoảng 50.000 người lao động, theo thông tin trên báo Nikkei đăng tải.
Nếu tình trạng dịch bệnh kéo dài như hiện tại, nhiều doanh nghiệp sẽ khó khăn, điều này đe dọa không chỉ đến kinh tế Việt Nam mà còn cả chuỗi cung ứng toàn cầu với sự tham gia của nhiều thương hiệu lớn trên thế giới, ví như các thương hiệu thời trang nhanh như Zara và H&M.
Theo giám đốc điều hành của Vinatex, ông Lê Tiến Trường, nếu tình hình dịch như hiện nay tiếp tục, khoảng 30 cho đến 50% việc làm sẽ có thể biến mất trước thời điểm tháng 5/2020. Vinatex hiện đang có khoảng 200 nhà máy tại Việt Nam và hơn 100.000 người lao động.
Tác động từ đại dịch Covid-19 bắt đầu có thể nhìn thấy rõ từ tháng 2/2020 khi mà hoạt động thu mua nguồn cung nguyên phụ liệu dệt may từ Trung Quốc bắt đầu chững lại. Khi mọi chuyện bắt đầu trở lại vào tháng 3/2020, làn sóng thứ hai tiếp tục tác động xấu đến ngành.
Nhu cầu với sản phẩm dệt may tại Mỹ và châu Âu đã giảm do người tiêu dùng ở nhà để tuân thủ quy định phong tỏa của nhà chức trách. Nhiều nhà kinh doanh sản phẩm may mặc đã hủy các đơn hàng cũ và ngừng cả đơn hàng mới.
Tại Việt Nam, chính quyền nhiều thành phố như Hà Nội cũng đã ra quy định cấm đi lại nếu không cần thiết. Nhiều nhà máy vẫn được phép hoạt động nhưng không nhận được đơn hàng. Nhiều nhà máy dệt may đã bắt đầu sản xuất khẩu trang, dù rằng hoạt động sản xuất khẩu trang này chẳng thấm vào đâu với sự suy giảm mạnh mẽ của hoạt động sản xuất nói chung.
Nếu hoạt động kinh tế vẫn tiếp tục bị giới hạn trong thời gian dài hơn, Vinatex sẽ thua lỗ nhiều hơn, với quy mô lớn mà Vinatex còn khó khăn đến vậy thì còn rất nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa khác sẽ khó khăn nhiều hơn.
Khi mà Việt Nam đang cố gắng hiện đại hóa các ngành sản xuất bằng việc kêu gọi đầu tư từ nhiều tập đoàn lớn như Samsung Electronics, ngành dệt may vẫn có sự hiện diện mạnh mẽ.
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc đã khiến cho nhiều công ty chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, Việt Nam được nhắc đến nhiều trong vai trò địa điểm sản xuất thay thế cho Trung Quốc. Thế nhưng đại dịch đã thay đổi rất nhiều điều.
Rất nhiều người lao động ngành may mặc chỉ được nhận mức lương tối thiểu, mức lương của người lao động ngành dệt may Việt Nam thấp nhất trong khu vực.
Việc các nhà máy dệt may Việt Nam đóng cửa đe dọa sẽ gây ra nhiều tác động lên chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhiều thương hiệu thời trang lớn của thế giới như Zara, H&M và Fast Retailing chắc chắn sẽ gặp khó trong việc mua gom hàng hóa từ nhà cung cấp.
Đại diện ngành dệt may từ 6 nước châu Á vào ngày 9/4/2020 đã ra tuyên bố đề nghị các thương hiệu thời trang lớn đền bù cho nhà cung cấp khi hủy đơn đặt hàng. Nhiều khách hàng như H&M vẫn tiếp tục mua hàng với những sản phẩm đã đến giai đoạn sản xuất, tuy nhiên nhiều công ty may mặc khác đang đề nghị hoãn thanh toán với các đơn hàng đã hoàn tất, theo đại diện ngành tại Bangladesh.