Ngày 28/10, Bộ Thương mại Thái Lan thông báo ý định đàm phán với Hoa Kỳ về việc đình chỉ một phần ưu đãi thuế thương mại của mình, đồng thời tìm cách giảm thiểu tác động của thuế quan bằng cách khám phá các thị trường mới.
"Hoa Kỳ đã xem xét tình trạng thương mại đặc biệt (special trade status) của Thái Lan thông qua các thủ tục pháp lý của riêng mình", Keerati Rushchano, quyền tổng giám đốc của Cục Ngoại thương thuộc Bộ Thương mại cho biết. "Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để đàm phán trước khi quyết định đình chỉ có hiệu lực trong 6 tháng tới".
Hoa Kỳ cấp cho Thái Lan tình trạng miễn thuế theo chương trình Hệ thống ưu đãi tổng quát ban hành năm 1974. Chương trình này có mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở các nước đang phát triển bằng cách cho họ lợi thế cạnh tranh thông qua đặc quyền thuế. Một số dòng sản phẩm với tổng trị giá 1,8 tỷ USD của Thái Lan nằm trong chương trình này, nhưng việc miễn thuế chỉ thực sự có tác động đến 1,3 tỷ USD hàng hóa, theo Bộ Thương mại Thái Lan.
Theo Cục điều tra dân số Hoa Kỳ, Thái Lan đã được hưởng thặng dư thương mại 19,4 tỷ USD với Hoa Kỳ trong năm 2018.
Việc đình chỉ ưu đãi được chính phủ Hoa Kỳ công bố vào hôm 25/10 sẽ bao gồm tổng cộng 573 loại hàng hóa từ Thái Lan, bao gồm bộ đồ ăn bằng gốm, các sản phẩm nhựa, kính đọc sách, xe máy, và máy móc và thiết bị điện, tương đương khoảng một phần ba số mặt hàng từng nằm trong chương trình ưu đãi. Những hàng hóa đó sẽ phải đối mặt với mức thuế nhập khẩu cao hơn 4,5%. Bộ Thương mại ước tính rằng xuất khẩu của Thái Lan sang Hoa Kỳ có thể giảm 28,8-32,8 triệu USD, tương đương 0,01%, vào năm tới.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cho biết việc đình chỉ dự kiến sẽ có hiệu lực vào ngày 25/4/2020, bởi vì nước này chưa thực hiện đẩy đủ các quy định để đảm bảo "đủ khả năng cho người lao động ở Thái Lan đạt tiêu chuẩn quốc tế" - Bộ trưởng Lao động Thái Lan Chatu Mongol Sonakul nhấn mạnh vào hôm 27/10 rằng luật lao động của Thái Lan vẫn đang bảo vệ đủ quyền lợi cần thiết cho người lao động.
Một số chuyên gia chính trị coi hành động của Hoa Kỳ là một biện pháp trả đũa đối với các động thái cấm một số hóa chất của Thái Lan. Thái Lan đã cấm sử dụng ractopamine trong ngành chăn nuôi lợn trong hơn 15 năm. Lệnh cấm đang ngăn các nhà sản xuất thịt lợn của Hoa Kỳ vào thị trường Thái Lan, vì ractopamine là một phụ gia được sử dụng rộng rãi ở Hoa Kỳ để tăng cường độ nạc và tốc độ tăng trưởng cơ bắp.
Ủy ban Chất độc hại Quốc gia Thái Lan đã bỏ phiếu cấm sử dụng 3 loại hóa chất thường thấy trong thuốc trừ sâu và thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng bởi nông dân Hoa Kỳ.
Kháng cáo của Thái Lan có thể sẽ có kết quả. Ông Trump hôm 25/10 đã tuyên bố dỡ bỏ đình chỉ miễn thuế của Ukraine. Ukraine đã từng bị Hoa Kỳ tấn công thương mại trước đây khi Hoa Kỳ tuyên bố nước này không bảo vệ đầy đủ quyền sở hữu trí tuệ, nhưng rồi ông Trump nói rằng họ đã đạt được tiến bộ trên mặt trận đó.
Tại châu Á, Ấn Độ đã bị tước đặc quyền vào ngày 5/6 vì không đồng ý tạo điều kiện công bằng và hợp lý cho các doanh nghiệp vào thị trường của mình.
"Trong khi đàm phán với Hoa Kỳ, chúng tôi sẽ hỗ trợ các công ty Thái Lan khám phá các thị trường mới như Trung Đông, Châu Phi và Đông Âu", Keerati nói. Thái Lan sẽ tổ chức Hội nghị thượng đỉnh ASEAN và các cuộc họp liên quan từ ngày 31/10 đến ngày 4/11. Ông David Stilwell, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ cho Văn phòng các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, dự kiến sẽ đến thăm Bangkok trong giai đoạn này.
Ông David sẽ tổ chức một cuộc họp song phương với các quan chức chính phủ Thái Lan. Về vấn đề này, việc đình chỉ ưu đãi có thể được coi là một công cụ thương lượng điển hình của chính quyền Trump để đòi hỏi một cán cân thương mại cân bằng hơn cho Hoa Kỳ.
Trong cuộc chiến thương mại Hoa Kỳ-Trung Quốc, Thái Lan đã cố gắng trở thành một điểm đến tốt cho các công ty nước ngoài di dời sản xuất khỏi Trung Quốc.Thái Lan đã giới thiệu một gói khuyến khích tái định cư doanh nghiệp bao gồm các ưu đãi thuế để cạnh tranh với Việt Nam. Mất đặc quyền xuất khẩu có thể làm mờ đi sự hấp dẫn của Thái Lan trong mắt các công ty.