Đà tăng trưởng trong lĩnh vực sản xuất của Việt Nam trong tháng cuối quý III tiếp tục chậm lại, Nikkei cho biết. Theo đó, PMI tháng 9 chỉ đạt 51,5 điểm, thấp hơn 2,2 điểm so với tháng 8.
"Mức cải thiện điều kiện kinh doanh gần đây nhất là yếu nhất kể từ tháng 11 năm ngoái", Nikkei cho biết. Tuy nhiên, đơn vị này đánh giá các điều kiện hoạt động đã cải thiện hơn trong suốt 34 tháng qua.
Nhân tố chính làm giảm chỉ số PMI trong tháng 9 là cả sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới đều tăng chậm lại. Sản lượng ngành sản xuất tăng với tốc độ yếu nhất kể từ tháng 3 khi tăng trưởng đã chậm lại tháng thứ 3 liên tiếp.
Tình trạng này cũng xảy ra với số lượng đơn đặt hàng mới. Số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới chỉ tăng ở mức vừa phải, và mức tăng là chậm nhất trong 16 tháng.
Bên cạnh đó, số lượng việc làm trong lĩnh vực sản xuất đã tăng trong tháng 9, như đã được ghi nhận trong 2 năm rưỡi vừa qua. Tuy nhiên, tốc độ tạo việc làm là yếu và đã đạt mức yếu nhất kể từ tháng 8/2017.
Về giá cả đầu vào, Nikkei cho biết dù giá đã tiếp tục tăng trong cuối quý III nhưng tốc độ tăng đã chậm lại và là yếu hơn so với trung bình của lịch sử chỉ số.
Mức tăng chi phí chậm hơn đã giúp các công ty giảm giá cả đầu ra, từ đó kết thúc thời kỳ tăng kéo dài một năm vừa qua. Theo những người trả lời khảo sát, những nỗ lực bảo đảm doanh thu trong bối cảnh các điều kiện thị trường cạnh tranh là nguyên nhân dẫn đến giảm giá đầu ra.
Thời gian giao hàng của nhà cung cấp đã không thay đổi trong tháng 9, sau khi đã bị kéo dài một chút trong tháng trước. Một số thành viên nhóm khảo sát cho biết thời gian giao hàng được cải thiện nhờ những yêu cầu giao hàng nhanh hơn.
Ngược lại, những công ty khác lại cho biết tình trạng khan hiếm nguyên vật liệu dẫn đến chậm trễ giao hàng.
Một khía cạnh tích cực trong báo cáo là độ tự tin trong kinh doanh đã tăng trở lại từ mức thấp kỷ lục của tháng 8. Các kế hoạch phát triển của công ty và kỳ vọng tăng số lượng đơn đặt hàng mới đã hỗ trợ cho tinh thần lạc quan về sản lượng tăng trong năm tới.