Tuần lễ ngoại giao châu Á, bắt đầu với Hội nghị thượng đỉnh thường niên ASEAN khai mạc vào ngày 31/10 và Hội nghị thượng đỉnh Đông Á sẽ khai mạc hôm 4/11.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Quốc Cường sẽ tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN để đại diện cho lợi ích của chính quyền Bắc Kinh. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và các nhà lãnh đạo thế giới khác cũng sẽ có mặt. Hội nghị thượng đỉnh giữa các nhà lãnh đạo ASEAN sẽ được tổ chức vào ngày 2/11.
Tổng thống Donald Trump không có quá nhiều hứng thú với các cuộc đàm phán đa phương hoặc các hội nghị quốc tế, thay vào đó, ông thích các cuộc đàm phán song phương. Ông đã tham dự Hội nghị thượng đỉnh thường niên ASEAN tại Manila năm 2017, nhưng lại bỏ qua Hội nghị thượng đỉnh Đông Á, nơi tập hợp cả 10 quốc gia ASEAN và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc, New Zealand, Mỹ và Nga.
Ông chủ Nhà Trắng đã lên kế hoạch tham dự cuộc họp Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương APEC vào giữa tháng 11, nơi ông sẽ gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Nhưng hôm 30/10, nước chủ nhà Chile đã bất ngờ hủy đăng cai thượng đỉnh APEC.
Tại các cuộc họp ở Bangkok, Bắc Kinh sẽ đàm phán một bộ quy tắc ứng xử với ASEAN về phạm vi hoạt động được phép ở Biển Đông.
Một bản dự thảo tuyên bố của chủ tịch cho hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo bày tỏ mối quan ngại ám chỉ việc quân sự hóa Biển Đông của Bắc Kinh.
Các nhà đàm phán cũng sẽ cố gắng hoàn tất thỏa thuận thương mại Đối tác kinh tế toàn diện RCEP đang bị đình trệ lâu dài. Thỏa thuận này sẽ tạo thành một khối bao gồm 10 quốc gia Đông Nam Á cộng với sáu quốc gia châu Á-Thái Bình Dương khác, trong đó có Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ. Các cuộc họp cấp Bộ trưởng mở diễn ra vào ngày 1/11. Hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo RCEP sẽ được tổ chức vào ngày 4/11. Sau khi bế mạc sự kiện, Việt Nam sẽ nhậm chức Chủ tịch ASEAN.
Các bên đã đạt được thỏa thuận về 18 trong số khoảng 20 lĩnh vực liên quan đến RCEP. Vẫn còn lại 2 vấn đề về giảm thuế và các quy tắc quản lý thương mại điện tử chưa được thông qua. Đặc biệt, Ấn Độ, tỏ ra lạnh nhạt với việc hạ thuế trong khi đang giảm thâm hụt thương mại với Trung Quốc.
Nếu có hiệu lực, RCEP sẽ tạo ra một khu vực thương mại tự do chiếm gần một nửa dân số thế giới và khoảng 30% thương mại toàn cầu. Nhưng các cuộc đàm phán đã kéo dài từ năm 2013, gây áp lực để những bên tham gia nỗ lực đạt được thỏa thuận trong năm nay.