Tân Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga cân nhắc sẽ đến Việt Nam và Indonesia vào giữa tháng 10/2020, theo tin từ Nikkei.
CHÍNH SÁCH NGOẠI GIAO THỜI ABE ĐƯỢC TIẾP TỤC
Đây sẽ là chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi ông Suga lên làm Thủ tướng Nhật. Việt Nam và Indonesia được đưa vào danh sách hai quốc gia đầu tiên mà ông Suga đến bởi đại dịch Covid-19 trong khu vực Đông Nam Á phần nào đã bớt căng thẳng hơn rất nhiều so với Mỹ và châu Âu.
Tuy nhiên, kế hoạch này có thể thay đổi tùy thuộc vào tình trạng dịch bệnh trong khu vực.
Ông Suga muốn có các cuộc đối thoại với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Indonesia Joko Widodo, một đề tài phía Nhật rất quan tâm hiện tại là nối lại việc đi lại giữa các nước.
Hiện tại, phía Nhật đang có các cuộc đối thoại với phía Việt Nam để tình đến việc nới lỏng các biện pháp hạn chế đi lại giữa hai nước. Cả hai nước hiện đã cho phép mở cửa biên giới đón những người đến vì mục đích công việc.
Đồng thời, Tân Thủ tướng Nhật cũng muốn bàn với lãnh đạo hàng đầu Việt Nam và Indonesia để cùng phối hợp trong nhiều vấn đề nóng khác của khu vực nhằm ngăn tình trạng xung đột leo thang.
Thủ tướng Nhật nhiều khả năng sẽ kêu gọi các nước đối tác châu Á cũng hợp tác nhằm đảm bảo an ninh khu vực trong nỗ lực ngăn chặn sự "trỗi dậy" và tham vọng lớn của Trung Quốc.
Tân Thủ tướng Suga như vậy đang tiếp tục thực thi định hướng chính sách ngoại giao của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe về việc xây dựng khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và cởi mở.
Nhật đã luôn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của mối quan hệ với Việt Nam và Indonesia.
Thủ tướng Abe đồng thời từng đến thăm Việt Nam và Indonesia đầu tiên ngay sau khi ông lên làm Thủ tướng Nhật nhiệm kỳ 2 vào năm 2012.
NHẬT HẠ MỨC CẢNH BÁO ĐI LẠI VỚI NHIỀU NƯỚC
Cách đây vài ngày, Nhật đã chính thức hạ mức cảnh báo đi lại với nhiều nước trong đó có Việt Nam. Từ tháng 10/2020, Nhật sẽ nới lỏng cảnh báo đi lại trong nỗ lực đưa ra chính sách đi lại dễ dàng hơn, theo báo Nikkei đưa tin.
Chính phủ Nhật sẽ ưu tiên cho 10 nước và vùng lãnh thổ hiện đang có số lượng ca lây nhiễm Covid-19 thấp, trong đó có bao gồm Australia, New Zealand và Việt Nam. Tuy nhiên việc các nước trên có chấp nhận du khách từ Nhật hay không sẽ tùy thuộc vào chính phủ các nước này.
Trước đây, Nhật đã công bố hệ thống lời khuyên và cảnh báo đi lại thông qua hệ thống bao gồm 4 cấp độ phụ thuộc vào rủi ro tiềm năng và an toàn tại các nước/vùng lãnh thổ. Các mức cảnh báo không hoàn toàn hạn chế người Nhật đi lại, thế nhưng nước tiếp nhận có quyền tiếp nhận hoặc từ chối người Nhật nhập cảnh.
Tính đến ngày thứ Hai, Nhật vẫn xếp 159 nước và khu vực, trong đó có Trung Quốc và Mỹ vào nhóm 3, giới chức Nhật khuyến cáo người dân không nên đến các nước này vì bất kỳ lý do gì.
Bắt đầu từ tháng sau, Nhật sẽ hạ mức cảnh báo với nhóm nước có ít ca lây nhiễm tính trên tổng quy mô dân số trong 2 tuần gần nhất xuống nhóm 2. Với nhóm này, giới chức Nhật khuyên người dân tránh đi lại nếu không cần thiết. Australia, Việt Nam, New Zealand, Brunei và Bỉ sẽ được đưa vào nhóm trên. Tuy nhiên, người sống tại Nhật khi đến các nước thuộc nhóm 2 và quay trở lại Nhật sẽ vẫn bị buộc phải cách ly 2 tuần.
Đây là lần đầu tiên Nhật hạ cảnh báo đi lại tính từ khi đại dịch bắt đầu. Tính đến ngày thứ Hai, 109 quốc gia và vùng lãnh thổ đã hạn chế với du khách từ Nhật. Chính phủ một số nước đã áp quy định cấm nhập cảnh để đáp lại việc Nhật đưa ra cảnh báo đi lại với nước họ. Chính phủ Nhật muốn gỡ bỏ cảnh báo đi lại với một số nước và vùng lãnh thổ để các nước cũng giảm đi các biện pháp hạn chế nhằm khôi phục lại hoạt động kinh tế bình thường.
Phía Nhật cũng đang đẩy nhanh các cuộc đối thoại với 16 nước và vùng lãnh thổ trong đó có Trung Quốc, Việt Nam và Đài Loan để nối lại việc đi lại phục vụ cho công việc. Việc chính phủ Nhật nới lỏng cảnh báo đi lại cũng có thể giúp hỗ trợ cho việc đạt thỏa thuận với các nước này.