Tập đoàn thương nghiệp nông sản quốc tế Olam trụ sở tại Singapore đã xác định Việt Nam là trung tâm xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc. Olam mua một mảnh đất ở miền Trung năm 2016, xây dựng đồn điền và tiến hành trồng các giống tiêu kháng bệnh với nhiệt độ, độ ẩm và nước được điều chỉnh tự động.
Công ty sẽ thu hoạch vụ đầu tiên vào năm sau, với năng suất lên đến 2.000 tấn một năm vào năm 2024. Cây trồng được vận chuyển từ nhà máy sản xuất tại phía nam Đồng Nai. Sản phẩm cuối cùng sẽ xuất khẩu khắp thế giới.
Việt Nam chiếm 40% tổng sản lượng hạt tiêu toàn cầu. Khí hậu và độ phì nhiêu của đất rất phù hợp cho việc trồng hạt tiêu, do đó Chính phủ coi đây là ngành xuất khẩu chiến lược.
Olam bắt đầu buôn hạt tiêu Việt Nam từ năm 2004, mở rộng thêm công đoạn khử trùng và sơ chế sản phẩm năm 2008 và thực hiện sản xuất trực tiếp hai năm sau đó.
Công ty cũng cho biết sẽ xây dựng nhà máy sản xuất hạt tiêu công suất gấp đôi hiện tại vào tháng 5 năm sau. Họ cũng sẽ đảm bảo việc cung cấp nguồn nguyên liệu từ các đồn điền do họ sở hữu.
Olam – bạn hàng của 67 nước trên thế giới – chọn Việt Nam là trung tâm cho dự án phát triển tại châu Á do bởi trình độ lao động cao. Việc thuê nhân công sẽ thúc đẩy công nghệ phát triển, nâng cao năng suất lao động.
Việt Nam có thể sản xuất từ 3,5 đến 5 tấn hạt tiêu mỗi hecta hàng năm, theo nghiên cứu từ Olam, vượt xa Ấn Độ và Indonesia, nơi mỗi hecta chỉ cho từ 0,5 đến 1 tấn sản phẩm.
Năng suất cà phê và các nông sản khác tại Việt Nam cũng vượt trội hơn so với các đối thủ cạnh tranh.
"Nông dân các nước khác hầu như chỉ quan tâm đến thị trường nội địa", người đứng đầu Olam tại Việt Nam Amit Verma nói. "Nông dân Việt lại ngược lại, luôn quan tâm đến thị trường quốc tế, thậm chí còn muốn biết xu thế tại thị trường London. Các cơ sở sản xuất hạt điều cũng đang gặp thuận lợi do có nhân lực lành nghề", Verma nói thêm.
Với việc gia nhập ASEAN, nông sản Việt có thể xuất khẩu miễn thuế sang các nước thành viên. Điều đó đã thu hút gã khổng lồ Nestle bắt tay sản xuất cà phê hòa tan vào mùa hè năm ngoái.
Charoen Pokphand Foods, viên ngọc quý của tập đoàn lớn nhất Thái Lan Charoen Pokphand Group, sẽ mở rộng cơ sở chế biến thịt gà sang Việt Nam. CP Foods cũng sẽ thay đổi từ tập trung hoạt động trong nước sang xuất khẩu.
Năm 2017, Olam mở một nhà máy chế biến hạnh nhân tại tỉnh Đồng Nai, nhập khẩu nguyên liệu sạch từ nông trường tại Mỹ và bán sang Trung Quốc. Nhưng chiến tranh thương mại đã làm tăng thuế suất hàng hóa từ Mỹ, khiến cho doanh nghiệp phải chuyển nguồn cung sang Úc.
Olam khai thác mạnh các trung tâm sản xuất và xuất khẩu toàn cầu nhằm thích ứng linh hoạt với các điều kiện thị trường đang thay đổi. Chỉ tính riêng tại Việt Nam, doanh nghiệp này có tới 22 đồn điền và cơ sở chế biến. Nhân công tại đây cũng đạt xấp xỉ 5.000 người và hướng đến tăng trưởng 30% vào năm 2021.
Tập đoàn đang tiến hành mở rộng các hoạt động kinh doanh có lãi, ví dụ như sản xuất gia vị cho các nhà hàng địa phương.