Theo thống kê của FiinGroup tại báo cáo "Chất lượng Lợi nhuận Doanh nghiệp trong Bối cảnh Covid-19", tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) của 19 ngân hàng niêm yết trong quý 2/2020 đã giảm 8,8 điểm cơ bản (bps) so với quý 1/2020 xuống còn 0,76%. Đây là mức NIM thấp nhất so với quý 2/2018 và quý 2/2019, và cũng là mức giảm lớn nhất kể từ quý 1/2018.
NIM của các ngân hàng trong quý 2/2020 phản ánh rõ ảnh hưởng từ việc miễn giảm lãi cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến 8/6/2020, các ngân hàng miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 403 nghìn khách hàng với dư nợ hơn 1,2 triệu tỷ đồng, cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/1 đạt 978.529 tỷ đồng với lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5 - 2,5% so với trước dịch.
Cho vay khách hàng cuối quý 2/2020 của 19 ngân hàng niêm yết chỉ tăng trưởng 3,4%, thấp hơn nhiều so với mức cùng kỳ hai năm trước (9,2% năm 2018, 8,2% năm 2019) nhưng vẫn cao hơn hơn đáng kể so mức tăng trưởng 1% đến cuối quý 1/2020. Mức này cũng thấp hơn với so với bình quân toàn ngành trong 6 tháng đầu năm 2020 (3,65%).
Tăng trưởng cho vay khách hàng cuối quý 2/2020 thấp hơn tăng trưởng tiền gửi khách hàng (4,2%). Điều này khác với xu hướng trong những năm gần đây khi tăng trưởng cho vay khách hàng luôn cao hơn tăng trưởng tiền gửi khách hàng.
Trong năm 2019 và quý 2/2020, vấn đề sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn vẫn còn đó khi tỷ lệ cho vay trung dài hạn từ chiếm 48,7%-49,1% trong tổng dư nợ trong khi nguồn vốn ngắn hạn (dưới một năm) chiếm 80,1%-85,8% trong tổng cơ cấu huy động.
Cuối tháng 6/2020, cơ cấu cho vay của 17 ngân hàng niêm yết thay đổi không đáng kể so với quý 1/2020 với với tỷ lệ cho vay trung dài hạn chiếm 49% tổng dư nợ. Tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn tính trên 14 ngân hàng niêm yết giảm nhẹ từ 85,8% xuống 85,4%. Tỷ trọng nguồn vốn dưới 3 tháng giảm trong khi nguồn vốn từ 3 tháng-1 năm tăng lên. Do đó, vấn đề sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn có cải thiện đáng kể.