Đề án văn hóa công vụ quy định bốn nội dung văn hóa công vụ vừa được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phê duyệt, trong đó quy định công chức viên chức không trốn tránh, thoái thác nhiệm vụ, không nịnh bợ lấy lòng lãnh đạo cấp trên vì động cơ không trong sáng.
Những quy định của đề án về cách hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, như cách khẳng định quyết tâm của Chính phủ trong năm nay là kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá và hiệu quả. Nhưng thực tế không dễ dàng khi xác định gạt bỏ những kẻ xu nịnh lấy lòng cấp trên vì động cơ không trong sáng.
Ảnh minh họa: Dad/Thanh Niên
“Thẳng thắn, thật thà thường thua thiệt. Luồn lách, lươn lẹo lại leo lên”. Đáng tiếc, câu nói trong dân gian ấy lại phản ánh thực tế thường thấy ở nhiều nơi, nhiều cơ quan đơn vị. Và cũng rất đáng tiếc, thói xu nịnh, bợ đỡ, thói lươn lẹo, luồn cúi, thiếu trung thực dù tồn tại từ rất lâu, dù rất đáng lên án, dù đã được Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII chỉ ra là một trong những biểu hiện của sự suy thoái tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ, dù đã được người và cấp có thẩm quyền nhiều lần yêu cầu cấm nhưng vẫn chưa thể triệt tiêu nó. Vì sao vậy?
Phải chăng vì khó nhận diện, phải chăng vì thói chủ nghĩa cá nhân, hẹp hòi, ích kỷ, vụ lợi, lấy nịnh bợ làm bệ đỡ, bệ phóng trong công việc, cho sự tiến thân? Phải chăng vì cấp ủy, tổ chức chưa làm tốt vai trò trong việc đấu tranh, phát hiện, phê phán thói hư tật xấu của cán bộ, đảng viên để kịp thời uốn nắn, điều chỉnh? Phải chăng, vì còn có cấp trên ưa nịnh nọt, chỉ thích nghe những lời hoa mĩ, tâng bốc, mà quên đi hoặc không muốn thừa nhận thiếu sót, khuyết điểm của bản thân, của đơn vị?
Hám thành tích, ảo tưởng quyền lực của bản thân, hậu họa của thực trạng ấy không cân đong, đo đếm được, nó ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi chính đáng của nhiều người; nó gây nên sự bất bình đẳng, mất đoàn kết nội bộ, làm thui chột tinh thần đấu tranh tự phê bình, phê bình của tổ chức cấp ủy, làm nản lòng những người thẳng thắn, trung thực, dám phê phán cái xấu và con người xấu.
Thậm chí, nó là tác nhân, là mầm mống gây nên những bất ổn, gây mất lòng tin; là nguyên do khiến công tác cán bộ, bổ nhiệm cán bộ có lúc, có nơi không thực chất.
Ngoài chuyện "quan hệ, tiền tệ, hậu duệ", những người giỏi xu nịnh, giỏi luồn lách dễ được cất nhắc; những người thẳng thắn, thật thà không biết tự đánh bóng hiếm khi được ngồi đúng chỗ, hiếm khi được đánh giá đúng năng lực. Những khuyết điểm, bài học nhãn tiền về công tác quy hoạch cán bộ, bổ nhiệm cán bộ, sử dụng cán bộ từ thời gian qua cho thấy rõ điều đó, và càng cho thấy sự cần thiết khi đặt ra yêu cầu nâng cao đạo đức công vụ, đảm bảo tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả trong hoạt động thực thi nhiệm vụ công vụ đáp ứng nhu cầu phục vụ xã hội, nhân dân.
Nhưng để thực hiện được, đòi hỏi cấp ủy tổ chức các cơ quan đơn vị phải coi trọng nâng cao tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình với thái độ thẳng thắn, trung thực, dũng cảm vạch ra những cái sai để phấn đấu khắc phục; chỉ rõ những hành vi, con người lươn lẹo, xiểm nịnh hoặc vu khống, bôi nhọ, chỉ trích phê phán người khác với động cơ cá nhân không trong sáng.
Quan trọng nữa, đòi hỏi vai trò tiên phong gương mẫu, tính tự giác, kỷ luật cao của mỗi người, mà trước hết là người đứng đầu. Người đứng đầu phải nêu gương tốt, cương trực, khách quan; người đứng đầu không tham quyền, tham tiền, không mắc bệnh thành tích; tỉnh táo phân định rõ đúng sai, thực chất hay giả tạo, dối trá. Khi phát hiện những sai phạm do thiếu trung thực, do quyết định sai lầm, đặc biệt trong việc sử dụng cán bộ, thì cần có chế tài xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu.
Thực hiện những điều cụ thể ấy, mới không có chỗ, không có điều kiện dung dưỡng cho những kẻ tìm mọi cách trốn tránh, thoái thác nhiệm vụ, nịnh bợ, lấy lòng lãnh đạo cấp trên vì động cơ không trong sáng, mới hiện thực hóa được quyết tâm năm 2019 là năm bứt phá của Chính phủ./.