Diễn đàn do Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp Tổng cục Thủy sản, Sở NNPTNT Ninh Thuận tổ chức hôm 3.11. Diễn đàn đã thu hút đông đảo ngư dân, chủ tàu của các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận và Ninh Thuận tham gia.
Lợi ich lớn
Nhờ sử dụng các thiết bị hiện đại nên tàu của anh Hương đánh bắt, khai thác hiệu quả. Ảnh: C.T
Áp dụng công nghệ bảo quản PU trên tàu cá * Giảm hao hụt sau thu hoạch từ 20% xuống còn 6%. * Giảm hao hụt đá lạnh từ 18% xuống còn 5%. * Kéo dài thời gian chuyến biển từ 4- 6 ngày. |
Ông Nguyễn Tin – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông – khuyến ngư Ninh Thuận nhấn mạnh, diễn đàn này rất có ý nghĩa để cho ngư dân học hỏi, trao đổi kinh nghiệm về ứng dụng các thiết bị tiên tiến trên tàu cá. Từ đó, ngư dân sẽ áp dụng cho đánh bắt cũng như bảo quản hải sản một cách hợp lý và đồng thời giảm bớt khó khăn trong đánh bắt xa bờ.
Ninh Thuận là 1 trong 4 ngư trường trọng điểm của cả nước về sản lượng hải sản. Toàn tỉnh có trên 2.770 tàu cá, trong đó có 936 tàu đánh bắt xa bờ. Việc chuyển giao các ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến được khuyến nông Ninh Thuận triển khai đến tận tay các ngư dân theo phương pháp cầm tay chỉ việc. Nhờ đó, ngư dân trong tỉnh gặt hái được nhiều thành công. Tính từ đầu năm đến cuối tháng 10.2017, sản lượng khai thác đạt trên 94.000 tấn, đạt 113% so với kế hoạch của UBND tỉnh.
Ông Tin khẳng định, việc áp dụng công nghệ bảo quản mới trên tàu cá bằng vật liệu PU đã mang lại hiệu quả rất cao, giảm hao hụt sau thu hoạch từ 20% xuống còn 6%, giảm hao hụt đá lạnh từ 18% xuống còn 5%, đồng thời kéo dài thêm thời gian chuyến biển đánh bắt từ 4 - 6 ngày.
Ngư dân thu lợi cao
Thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông quốc gia sẽ tiếp tục chuyển giao hệ thống đèn led tiết kiệm cho ngư dân, thay thế đèn truyền thống, hiệu quả tiết kiệm được 40 – 50% lượng điện, độ bền và năng suất đánh bắt tăng gấp từ 5- 10 lần so với đèn truyền thống. |
Có thâm niên đánh bắt thủy sản trên 20 năm, ngư dân Võ Văn Hương (xã Thanh Hải, huyện Ninh Hải, Ninh Thuận) cho biết: “Việc đánh bắt của gia đình tôi trước đây gặp không ít những khó khăn, Với việc khai thác theo cách truyền thống, các thiết bị còn lạc hậu nên chỉ đánh bắt gần bờ, sản lượng đánh bắt ít vì thế may mắn lắm mới chỉ hòa vốn. Kể từ khi tôi áp dụng các máy móc cũng như công nghệ vào đánh bắt thì thu nhập đã tăng lên đáng kể”.
Đến nay, anh Hương có 4 chuyến tàu, trong đó 1 chiếc tàu mẹ số hiệu 91086TS trị giá hơn 4 tỷ đồng và 3 chiếc tàu con, mỗi tháng khai thác khoảng 200 tấn cá nục, với giá bán loại 1 (từ 10 – 12 con/kg) dao động từ 24.000 - 25.000 đồng/kg và loại 2 (20 – 30 con/kg) là 10.000 – 12.000 đồng/kg. Trung bình gia đình anh có doanh thu từ 700 – 1,5 tỷ đồng/tháng, trừ chi phí mỗi tháng có lãi khoảng 500 triệu đồng, thu nhập tăng gấp 1,5 lần so với trước đây. Tàu của anh Hương là tàu duy nhất trên địa bàn tỉnh được lắp đặt 2 máy dò ngang, ngoài ra anh còn trang bị thêm máy định vị, máy dò đứng, máy đường dài, bộ đàm... “Có các loại máy trên nên tàu của tôi gặp nhiều thuận lợi và yên tâm hơn khi đánh bắt cá nục - anh Hương cho biết.
Anh Hương chia sẻ, không chỉ làm giàu cho bản thân mà anh còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho gần 30 lao động đi biển với thu nhập ổn định, những bạn thuyền có hoàn cảnh khó khăn luôn được anh tạo điều kiện hỗ trợ vốn để yên tâm đánh bắt. Anh cũng luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm có được cho các ngư dân muốn học tập kỹ thuật.
Ông Kim Văn Tiêu – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia đánh giá, anh Hương là một trong những hộ mạnh dạn đầu tư, cũng như chịu khó học hỏi các kỹ thuật để đưa vào thực tiễn có hiệu quả. Trên tàu anh lắp 2 máy dò ngang, một máy 20 độ và cái còn lại 45 độ. Ngoài ra, tàu của anh Hương tuy là tàu vỏ gỗ anh đã phủ lên một lớp vỏ composite nên tăng được độ bền chắc, sạch sẽ và tăng được năng suất trong đánh bắt hải sản.