Sáng 2/8, UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức hội thảo đánh giá chỉ số PCI năm 2023 và triển khai các giải pháp nâng cao chỉ số PCI năm 2024. Dự và chủ trì hội tháo có ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cùng lãnh đạo các sở ngành và cộng đồng doanh nghiệp tiêu biểu trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Lê Huyền, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, bằng quyết tâm và nổ lực của các sở ngành và cộng động doanh nghiệp, môi trường đầu tư của tỉnh Ninh Thuận tiếp tục được cải thiện và chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh có chuyển biến tích cực.
Cụ thể, trong năm 2023 chỉ số PCI của tỉnh đạt 69,10 điểm, tăng 3,67 điểm và tăng 19 bậc so với năm 2022, xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố cả nước và thứ 02/14 tỉnh, thành phố duyên hải miền Trung. Chỉ số CPI Ninh Thuận nằm trong nhóm 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất của cả nước.
"Để giữ vững và cải thiện hơn nữa chỉ số PCI trong năm 2024 và các năm tiếp theo, Ninh Thuận sẽ tập trung duy trì các chỉ số đã đạt cao như: chỉ số tính năng động của chính quyền, chỉ số gia nhập thị trường, chỉ số Tiếp cận đất đai, xếp 6/63. Đồng thời, tập trung nâng cao các chỉ số đạt thấp như: Chỉ số tính minh bạch (xếp 45/63), chỉ số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (xếp 49/63)…", ông Huyền cho hay.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Thứ, chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cổ phần GC Food - Nắng và Gió, một trong những doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp ở Ninh Thuận cho rằng, để phát triển kinh tế nói chung và kinh tế nông nghiệp nói riêng, ngành chức năng cần đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó là quy hoạch quỹ đất để phát triển nông nghiệp, tạo điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Qua đó, nâng cao giá trị kinh tế trên cùng đơn vị diện tích, góp phần phát triển kinh tế.
"Nghiên cứu ứng dụng pin năng lượng mặt trời trong các nhà máy ở khu công nghiệp nhằm giảm chi phí năng lượng đầu vào, hướng đến tối ưu hóa quy trình sản xuất kinh doanh, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững...", ông Thứ đề xuất.
Ngoài ra, một số đại biểu cũng đề xuất ý kiến về việc tập trung phát triển nông nghiệp hữu cơ, đặc biệt là các sản phẩm nông nghiệp đặc thù của tỉnh như nho, táo, nha đam, hạt điều...
Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, với quan điểm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh chỉ có điểm bắt đầu, không có điểm kết thúc. Ninh Thuận phấn đấu Chỉ số PCI tỉnh Ninh Thuận năm 2024 đạt từ 71,70 điểm trở lên (tăng 2,61 điểm so với năm 2023), đưa PCI Ninh Thuận xếp trong nhóm các tỉnh điều hành kinh tế thuộc nhóm tốt của cả nước.
Để đạt được mục tiêu trên, Ninh Thuận sẽ tiếp tục tăng cường cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát huy hơn nữa vai trò của kinh tế tư nhân trong sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
"Tỉnh Ninh Thuận đang đẩy mạnh chuyển đổi số, lấy cải cách thủ tục hành chính làm khâu đột phá và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp làm hạt nhân, hướng đến nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư để phát triển nhanh và bền vững...", ông Nam cho hay.