Hiện nay, con số nợ đọng bảo hiểm xã hội (BHXH) đã ở mức 10.450 tỷ đồng, chiếm 4,7% số phải thu của BHXH. Đến hết tháng 5, ngành bảo hiểm mới thu được 36,7% kế hoạch cả năm.
Dù vậy, Phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam, Đào Việt Ánh vẫn khẳng định con số thu bảo hiểm xã hội năm nay sẽ tốt hơn năm trước. Ngoài lý do triển vọng kinh tế năm 2018 khá hơn, ông Ánh còn cho rằng hiện nay công cụ khởi kiện doanh nghiệp chậm nộp BHXH đã có, cơ quan bảo hiểm cũng đẩy mạnh chức năng thanh tra thu để hỗ trợ cơ quan bảo hiểm thu tốt hơn.
Tuy nhiên, khi được hỏi rõ hơn về tình hình khởi kiện doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội, ông Mai Đức Thắng, Phó trưởng ban thu BHXH Việt Nam lại cho biết trong 4 - 5 năm trước đây, BHXH có tổ chức kiện doanh nghiệp ra tòa. Song, đa số nợ đòi được không đáng kể lại còn gây khó khăn thêm cho cơ quan bảo hiểm.
Ông Thắng nhận định đây là một công cụ rất hiệu quả trong công tác thu nợ bảo hiểm nhưng không thể sử dụng liên tục được. Nếu xử lý hình sự, chủ doanh nghiệp bị bắt tạm giam đồng nghĩa với doanh nghiệp phải đóng cửa, người lao động mất việc làm và cơ quan bảo hiểm cũng không thu được tiền.
Ông Thắng cho rằng chỉ nên xử lý hình sự đối với các doanh nghiệp đã qua quá trình thanh ra xử phạt nhiều lần hoặc các doanh nghiệp làm ăn có thu nhập cao nhưng vẫn cố tình vi phạm.
Đến nay, cơ quan bảo hiểm đã làm thủ tục khởi tố hình sự 1 doanh nghiêp ở TP HCM và 3 doanh nghiệp ở Hà Nội. Khoản tiền nợ đọng bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp bị khởi kiện sẽ chốt tại thời điểm xét xử.
Mặt khác, ông Thắng chia sẻ, cơ quan bảo hiểm đang tiến hành thanh tra nóng các doanh nghiệp có nợ đọng từ ba tháng trở lên. Đặc biệt các đơn vị có nợ đọng kéo dài trên 6 tháng sẽ tiến hành thanh tra đột xuất. Vừa qua, BHXH đã tiến hành thanh tra tại 4 doanh nghiệp tại Ninh Bình, ba doanh nghiệp đã nộp ngay nợ đọng bảo hiểm xã hội, một doanh nghiệp với lý do gặp khó khăn đang xây dựng lộ trình thực hiện nghĩa vụ bảo hiểm.
Trước đó, trả lời trên Thời báo Tài chính Việt Nam, ông Mai Đức Thắng cho biết có đến 8.000 doanh nghiệp "mất tích" với nợ BHXH khoảng 2.000 tỷ đồng.
BHXH Việt Nam đánh giá số nợ này rất khó đòi, thậm chí không có khả năng thu hồi. Trong đó, đến hết năm 2017 cả nước đã ghi nhận hơn 100 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), chủ doanh nghiệp đã bỏ trốn hoặc trong tình trạng “mất tích”.
Một trong những hậu quả của việc này là khoản nợ BHXH, BHYT và lương lên tới hàng trăm tỷ đồng, ảnh hưởng đến quyền lợi của hàng nghìn người lao động.
Về con số thu bảo hiểm xã hội 5 tháng đầu năm mới chỉ đạt 36,7% kế hoạch năm, đại diện BHXH lý giải chu kỳ kinh doanh của doanh nghiệp, trong các tháng 1, tháng 2 các doanh nghiệp khất nợ để trả lương thưởng tết và thường nộp lại vào các tháng sau đó.
"Kế hoạch thu năm nay có thể vượt 1 - 2%, đây là dự báo của BHXH", ông Mai Đức Thắng khẳng định.