Đối mặt với “bão kép”, Habeco nhanh nhạy đưa ra thị trường hàng loạt sản phẩm mới, phù hợp với nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng trong bối cảnh “bình thường mới”.
Nắm chắc cơ hội, vượt qua thử thách
Báo cáo của Tổng Công ty CP Bia rượu nước giải khát Hà Nội (Habeco) cho thấy, lợi nhuận sau thuế năm 2020 của Habeco tăng 26,28% so với cùng kỳ. Con số này càng trở nên ấn tượng hơn, khi năm 2020 được đánh giá là một năm đối mặt với nhiều khó khăn đối với các doanh nghiệp ngành bia nói chung và Habeco nói riêng khi chịu ảnh hưởng bởi “tác động kép” từ Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt; và dịch Covid-19.
Trong 4 tháng đầu năm 2020, lợi nhuận trước thuế của Habeco đạt 15,8 tỷ, bằng 7% so với cùng kỳ, các chỉ tiêu sản lượng, doanh thu, nộp ngân sách đều giảm, chỉ đạt từ 44 - 50% so với cùng kỳ.
Theo đại diện Habeco, nhiều đơn vị sản xuất của doanh nghiệp đã phải ngừng hoạt động, cắt giảm lao động, tiền lương, ảnh hưởng đến tình hình tài chính, kinh doanh. Để duy trì hoạt động, Habeco và các công ty con duy trì lực lượng lao động nòng cốt, nỗ lực thanh toán các khoản phải trả như: thuế, nhà cung cấp, lương cho người lao động, lãi vay ngân hàng...
Dẫu vậy, giữa bối cảnh ảm đạm đó, với nền tảng tài chính, quản trị vững mạnh, cùng nhiều giải pháp linh hoạt, Habeco đứng vững giữa “tâm bão”. Theo đó, doanh nghiệp đẩy mạnh nghiên cứu, đổi mới sáng tạo sản phẩm. Habeco đã có động thái nhanh nhạy trong việc đưa ra thị trường hàng loạt sản phẩm mới, phù hợp với nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng trong bối cảnh “bình thường mới”. Trong đó, ghi dấu ấn trên thị trường là sản phẩm Bia hơi Hà Nội 500ml và Bia hơi Hà Nội 1l. Những lon bia hơi được thiết kế ấn tượng, đã tạo ra “làn sóng mới” trong việc thưởng thức bia truyền thống, những điều làm nên tên tuổi của Habeco theo cách đặc biệt.
Bên cạnh đó, Habeco đã cắt giảm nhiều hạng mục công việc chưa cần thực hiện ngay để tiết giảm tối đa chi phí; thực hiện việc chào hàng cạnh tranh để tìm kiếm các nguồn cung ứng nguyên vật liệu, dịch vụ với mức giá tốt; đồng thời làm việc với các nhà cung ứng để giữ ổn định giá trong điều kiện sản lượng tiêu thụ suy giảm… Nhờ đó, phần lớn các chi phí đều theo sát kế hoạch đã xây dựng.
Ngoài ra, trong năm 2020, Habeco ghi nhận thu nhập khác từ hoàn nhập khoản dự phòng phải trả ngắn hạn 256,3 tỷ đồng.
Tiếp tục nỗ lực trong năm 2021
Đại diện Habaco chia sẻ: “Khép lại năm 2020 với nhiều thử thách, các chỉ tiêu tài chính cơ bản của Habeco vẫn luôn đảm bảo ở mức tốt. Cụ thể: chỉ tiêu phản ánh khả năng thanh toán được đảm bảo theo quy định và tăng so với cùng kỳ; chỉ tiêu phản ánh khả năng sinh lời đảm bảo, tăng trưởng so với cùng kỳ, gồm: hệ số phản ánh khả năng sinh lời trên tổng tài sản (ROA) đạt 8,6% và hệ số phản ánh khả năng sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 11,52%.
Hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của Habeco đảm bảo theo quy định. Chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế trên vốn điều lệ tăng so với cùng kỳ và đặt mức cao tới 28,5%”.
Việc tăng tốc trong những quý cuối năm 2020 sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt đã giúp lợi nhuận sau thuế trên báo cáo tài chính riêng quý IV/2020 đã được soát xét của Habeco đạt 298 tỷ đồng, tăng tới 179,8 tỷ đồng (tương ứng tăng 252%) so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế trên báo cáo tài chính hợp nhất quý IV năm 2020 đạt 233,9 tỷ đồng, tăng tới 166,7 tỷ đồng (tương ứng tăng 348%) so với cùng kỳ.
Năm 2021, Habeco đánh giá tiếp tục là năm nhiều thách thức, “cuộc chiến” chống Coivd-19 vẫn tiếp tục. Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, khách sạn, nhà hàng, vận tải… sẽ còn đối mặt với nhiều khó khăn.
“Tất cả những khó khăn này sẽ trực tiếp tác động, làm suy giảm nhu cầu tiêu dùng sản phẩm bia rượu nước giải khát. Dù vậy, năm 2021 Habeco vẫn đặt mục tiêu tiếp tục duy trì vị thế số 1 tại thị trường miền Bắc và Bắc miền Trung, nỗ lực vượt qua những khó khăn để đạt mức sản lượng tiêu thụ 280 triệu lít, lợi nhuận sau thuế 255,14 tỷ đồng”, đại diện Habeco cho hay.
Lương Bằng