Theo báo cáo thị trường thực phẩm và đồ uống (F&B) do iPOS (công ty công nghệ cung cấp các giải pháp quản lý chuyên biệt dành cho ngành F&B) thực hiện và công bố năm 2023, Việt Nam có 338.600 nhà hàng/quán cà phê , so với 2019 (thời điểm trước dịch COVID-19) tăng thêm khoảng 18.000 quán.
Thị trường có nhiều chuỗi cà phê nước ngoài như: Starbucks, Café Amazon, Wayne's Coffee… Các thương hiệu trong nước có thể kể đến: Trung Nguyên E-Coffee, Highlands Coffee, The Coffee House, Cộng cà phê, Ông Bầu, Guta, Napoli, Milano, Viva Star Coffee, K-Coffee. Đặc biệt, những chuỗi cà phê mới nổi nhưng phát triển khá nhanh thời gian qua như Katinat, Phê La…
Một số thương hiệu Việt đã nhượng quyền ra nước ngoài như: Highlands Coffee, chủ yếu ở thị trường Philippines; Cộng cà phê ở thị trường Hàn Quốc; Trung Nguyên E-Coffee mở tại Lào, Trung Quốc, Mỹ; King Coffee và Phúc Long cũng có chi nhánh tại Mỹ.
Chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang cho rằng việc đoàn phóng viên The New York Times vừa lặn lội một tuần ở TP HCM để làm phóng sự về cà phê cho thấy cà phê Việt Nam đã gây được sự chú ý toàn cầu.
"Uống cà phê ngoài tiệm đã trở thành nét văn hóa tại Việt Nam. Có rất nhiều chủ đề để tạo nên sự độc đáo riêng mà các nhà kinh doanh cà phê chưa khai thác hết. Vẫn chưa có điểm chạm giữa văn hóa với cà phê. Việt Nam chỉ mới có cà phê sách, chưa phát triển mạnh cà phê bảo tàng, cà phê với nghệ thuật, cà phê với doanh nhân" - ông Quang nhìn nhận.
Đặc biệt, theo ông Quang, cà phê đã có mặt trong danh sách những món du khách cần phải thưởng thức khi đến Việt Nam. "Tôi đã nhìn thấy nhiều du khách Hàn Quốc tay cầm smartphone, đi 2-3 vòng Hồ Con Rùa chỉ để tìm quán cà phê Cộng. Nhiều khách Tây đến Hà Nội phải tìm cho bằng được quán cà phê trứng để thưởng thức" - ông Quang dẫn chứng tiềm năng thị trường cà phê đối với "tệp" khách du lịch đến Việt Nam.
Chuyên gia Võ Văn Quang cho rằng các start-up lĩnh vực cà phê quá tập trung vào khách hàng người Việt, dẫn đến giẫm chân nhau. Thay vào đó, chỉ cần tập trung phân khúc nước ngoài sẽ tìm thấy mô hình, công thức, địa điểm bán và có cơ hội thành công lớn hơn.
"Một quán cà phê nhạc Mozart có trình diễn âm nhạc tại chỗ hay một quán cà phê múa rối nước, cà phê nhạc hi-end… để khách vừa thưởng thức cà phê, vừa chiêm ngưỡng những tinh hoa văn hóa của nhân loại sẽ tạo sức hút mạnh mẽ" - ông Quang nêu ví dụ.
Từng có ý định mở chuỗi cà phê, song gần đây ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vinamit, đã quyết định chuyển đổi quán cà phê duy nhất của mình trên đường Nguyễn Du, quận 1 là Regina thành nhà hàng La Moi do thị hiếu của người tiêu dùng thay đổi.
"Kinh tế đi xuống, nhu cầu uống cà phê vẫn tăng nhưng người tiêu dùng thay đổi địa điểm, cách uống. Giới văn phòng chọn uống cà phê tại nơi làm việc, bỏ thói quen ngồi quán nhâm nhi ly cà phê trước giờ làm việc và giảm tần suất gặp gỡ, làm việc tại nhà hàng, quán cà phê . Chỉ có giới trẻ là vẫn giữ thói quen này" - ông Viên nêu thực tế.
Dẫn chứng cụ thể, ông Viên chỉ ra rằng chuỗi cà phê Katinat, Phê La, Cheese & Coffee tập trung vào phân khúc khách hàng sinh viên, giới trẻ, chọn mở quán ở những góc đường nên vẫn phát triển được. Trong khi một số chuỗi không chuyển đổi kịp theo xu hướng thị trường, chậm cập nhật và thích nghi với thị hiếu tiêu dùng của "tệp" khách hàng chủ lực sẽ dần mất khách, vất vả duy trì sự tồn tại, thậm chí đối diện nguy cơ bị "gãy" rất cao.
Ông Nguyễn Đức Hưng, Giám đốc Công ty CP Sản xuất Thương mại Xuất nhập khẩu Cà phê Napoli (chuỗi Napoli), cho biết công ty cũng nhượng quyền ra nước ngoài nhưng một số cửa hàng đã bị "gãy", hiện chỉ còn 1 cửa hàng tại Trung Quốc và 1 tại Hàn Quốc.
Ở trong nước, sau hơn 20 năm mở chuỗi nhượng quyền, Napoli đã có khoảng 3.000 điểm bán nhưng không chọn mặt bằng trung tâm thành phố mà chủ yếu ở khu vực ngoại thành, nông thôn với phân khúc bình dân. Ông Hưng nhận xét do những khó khăn gần đây, các chuỗi cà phê Việt có tuổi đời hơn 10 năm thường đi theo 2 hướng hoặc bán cổ phần hoặc đang chững lại.
"Để Việt Nam có những thương hiệu cà phê lớn nổi tiếng toàn cầu thì cần có sự hỗ trợ từ nhà nước để nâng cao khả năng cạnh tranh. Có những thương hiệu xây dựng 10 năm nhưng không làm chuẩn từ đầu nên không nhượng quyền được vì không được bảo hộ thương hiệu. Các doanh nghiệp mới hiện nay rất cần được tư vấn sớm về đăng ký nhãn hiệu, kiểu dáng thiết kế để có thể làm đúng ngay từ đầu, tránh lãng phí công sức, tiền của" - ông Hưng đề xuất.
Chuyên gia Đỗ Duy Thanh, Giám đốc Công ty FnB Director - Horeca Business School, chỉ ra khó khăn của các chuỗi cà phê hiện nay đó là nguyên liệu tăng nhưng giá bán không tăng tương ứng vì thị trường sức mua đang thấp. Để khai thác thị trường bền vững, ông Thanh lưu ý các doanh nghiệp kinh doanh cần phải nắm rõ quy định và chuẩn mực về chất lượng cà phê để bảo đảm sản phẩm đáp ứng được yêu cầu của thị trường nội địa và quốc tế.
"Cần phải nắm bắt xu hướng tiêu thụ và thị trường để phát triển sản phẩm và chiến lược kinh doanh phù hợp. Phải xây dựng mối quan hệ tốt với các đối tác trong ngành, từ người trồng cà phê đến các nhà phân phối và người tiêu dùng, để tạo ra một hệ sinh thái mạnh mẽ và bền vững" - ông Thanh nói thêm.
Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA) tổng hợp các báo cáo liên quan cho biết tiêu thụ cà phê nội địa đã có những bước phát triển mạnh. Trong giai đoạn 2015-2020, tốc độ tăng trưởng bình quân 3,94%/năm và dự báo giai đoạn 2025-2030 sẽ đạt tới 6,6%/năm; sản lượng tiêu thụ nội địa năm 2025 được dự báo đạt khoảng 270.000-300.000 tấn/năm.
Thị trường cà phê Việt Nam được đánh giá là tiềm năng khi có dân số 100 triệu nhưng mức tiêu thụ còn thấp, chỉ 2,2 kg/người/năm nên thu hút rất nhiều thương hiệu cà phê trong và ngoài nước tham gia.