Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM vừa có công văn khẩn gửi Thường trực HĐND TP.HCM đề nghị chấp thuận chủ trương tiếp tục tạm ứng vốn khoảng 1.000 tỉ đồng trong năm 2018 để chi trả cho các nhà thầu về khối lượng đã thi công tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên (metro số 1).
Đến tháng 2.2018, công trình metro số 1 đã thi công đạt khoảng 50% khối lượng nhưng luôn trong tình trạng thiếu hụt nguồn vốn. Dự án đặc biệt quan trọng này dù khởi động từ hơn 10 năm trước nhưng đến nay vẫn còn “lình xình” về tổng mức đầu tư.
Đến tháng 2.2018, công trình metro số 1 đã thi công đạt khoảng 50% khối lượng
Theo lý giải của UBND TP.HCM, dự án metro số 1 phê duyệt lần đầu vào năm 2007 với tổng mức đầu tư hơn 126 tỉ yên Nhật (tương đương 17.388 tỉ đồng). Tại thời điểm này, dự án thuộc nhóm A, do đó không thuộc diện phải trình Quốc hội để phê duyệt chủ trương đầu tư. Sau đó, tư vấn chung của dự án đã tính toán và xác định tổng mức đầu tư được cập nhật vào giữa năm 2009 là hơn 236 tỉ yên Nhật (tương đương 47.325 tỉ đồng).
Theo UBND TP.HCM, tổng mức tăng so với lần phê duyệt ban đầu do 3 nguyên nhân chính: tăng khối lượng xây dựng, sự biến động khách quan của nguyên vật liệu do trượt giá, cập nhật tỷ giá yên Nhật và VND (do trượt giá) và tỷ lệ tính toán các chi phí dự phòng, rủi ro trượt giá theo quy định mới.
Đến nay, dự án metro số 1 đã ký kết 3 hiệp định vay với tổng vốn hơn 155 tỉ yên Nhật (tương đương 31.208 tỉ đồng), giải ngân được hơn 59 tỉ yên Nhật (tương đương 11.929 tỉ đồng, đạt 38% tổng số vốn vay đã ký kết).
Trong khi chờ Quốc hội duyệt tổng mức đầu tư điều chỉnh, nguồn vốn đối ứng từ phía Việt Nam gặp trở ngại. Theo đó, vào cuối năm 2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành quyết định số 1972/QĐ-BKHĐT về việc giao chỉ tiêu kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước, nhưng dự án tuyến đường sắt đô thị Bến Thành (Q.1) - Suối Tiên (Q.9) chưa được bố trí vốn.