Ngày 8/12, cổ phiếu của Kaisa đã bị tạm dừng giao dịch lần thứ 2 trong 2 tháng qua khi những rắc rối lại nổi lên trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc. Theo Reuters, Kaisa đang phải vật lộn để trả những khoản nợ tới hạn trong thời gian gần đây.
Trước đó, Kaisa đã bị ngừng giao dịch trong 3 tuần từ đầu hồi đầu tháng 11 sau khi xuất hiện thông tin cho rằng họ không thể thanh toán đúng hạn cho một sản phẩm quản lý tài sản. Hiện chưa có thông tin chính thức cho biết vì sao Kaisa bị dừng giao dịch lần này.
Hồi cuối tháng 11, nhà phát triển bất động sản Trung Quốc cho biết họ sẽ cơ cấu lại việc thanh toán các khoản nợ nước ngoài đến hạn trong tháng 12 bằng cách phát hành trái phiếu mới trị giá 380 triệu USD. Tuy nhiên, họ đã không đạt được tiếng nói chung với các trái chủ.
Theo các nhà phân tích, việc không tìm được tiếng nói chung với các trái chủ làm tăng khả năng vỡ nợ của Kaisa. Đây là công ty bất động sản Trung Quốc có số nợ lớn thứ 2 chỉ sau Evergrande – công ty bất động sản nợ nhiều nhất thế giới.
Cổ phiếu Kaisa đã giảm 20% trong tháng qua.
Những gì xảy ra với Evergrande làm dấy lên những lo ngại về cuộc khủng hoảng nợ của Kaisa. Tuần này, câu chuyện của Evergrande lại trở nên thu hút khi dường như nó đã chính thức vỡ nợ. Không có thông tin nào từ "chúa chổm" này về việc trả khoản thanh toán 82,5 triệu USD khi thời hạn 30 ngày kết thúc vào 6/12.
Hiện nay, công ty bất động sản mắc nợ nhiều nhất thế giới đang chuẩn bị tiến tới việc tái cơ cấu nợ, bao gồm cả trái phiếu công và nợ nước ngoài.
Lĩnh vực bất động sản Trung Quốc đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi các động thái của chính phủ nhằm xử lý nợ. Các vấn đề của Evergrande trở nên nhức nhối sau khi nhà chức trách nước này đặt ra "ba lằn ranh đỏ" vào năm ngoái để kiểm soát nợ trong lĩnh vực bất động sản. Một trong số đó giới hạn nợ với một doanh nghiệp dựa theo dòng tiền, tài sản và vốn của nó. Điều này ngay lập tức tạo ra tác động kìm hãm các công ty bất động sản Trung Quốc sau nhiều năm tăng trưởng dựa vào núi nợ khổng lồ.
Ngoài Evergrande và Kaisa, nhiều doanh nghiệp bất động sản Trung Quốc khác cũng đang có dấu hiệu căng thẳng. Một số đã không thể thanh toán lãi suất đúng hạn trong khi số khác vỡ nợ hoàn toàn.
Tuy nhiên, Teresa Kong, người đứng đầu bộ phận quản lý danh mục đầu tư và thu nhập cố định tại Matthews Asia, cho biết: "Câu chuyện về bất động sản Trung Quốc vẫn còn nguyên vẹn. Tốc độ đô thị hóa của Trung Quốc vẫn đang ở giai đoạn đầu".
Chính vì thế, sẽ có nhiều gia đình mới được hình thành, đặc biệt là tại các khu vực thành thị khi người lao động tiếp tục di cư khỏi các vùng nông thôn. Xét một cách tổng thể, lĩnh vực này vẫn là một phần rất quan trọng của nền kinh tế Trung Quốc dù đang phải đối mặt với một số vấn đề. Bên cạnh đó, chính quyền các địa phương, vốn phụ thuộc nhiều vào việc bán đất cho các công ty bất động sản, sẽ cần phải suy nghĩ nhiều nhằm tìm ra các nguồn thu thay thế khi lĩnh vực này gặp trở ngại.