Nhà đầu tư một lần nữa phải lo lắng về thị trường mới nổi. Dù giới chuyên gia còn nhiều ý kiến trái chiều, thị trường vẫn có ít nhất một lý do. Các công ty đang nợ nhiều hơn giai đoạn trước cuộc khủng hoảng cuối cách đây vài thập kỷ.
Tình hình thay đổi rất nhiều kể từ cuối những năm 1990, khi giai đoạn tăng trưởng tín dụng kết thúc bởi một làn sóng vỡ nợ và mất giá "càn quét" từ châu Á qua Nga, đến tận Mỹ Latinh. Chính phủ các nước đã xây dựng lượng dự trữ lớn để chống lại các cuộc tấn công vào đồng nội tệ và cũng không cố gắng để giữ tỷ giá hối đoái cố định như từng làm.
Một bài học dường như đã phai mờ: những hiểm họa từ nợ. Sau một thời gian tương đối thận trọng, các công ty đang vay nhiều hơn mọi thời điểm trong những năm 1990. Tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu trung bình của 845 công ty trong Chỉ số MSCI EM (Thị trường Mới nổi) không ngừng đi lên.
Tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu của MSCI EM qua các năm. Nguồn: Bloomberg, MSCI
Chỉ số MSCI tập trung vào từng thị trường mới nổi cũng "ấn tượng" không kém.
Tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu của các nước trong 1997 và 2017. Nguồn: Bloomberg, MSCI
Mức đòn bẩy như vậy khiến các công ty dễ bị tổn thương tại thời điểm lãi suất tăng như hiện nay, Carmen Reinhart, nhà kinh tế học Harvard, lưu ý. Tệ hơn nữa, rất nhiều khoản vay được tính bằng USD, khiến việc trả nợ khó khăn hơn khi đồng tiền thị trường mới nổi mất giá, như những tuần gần đây.
Đòn bẩy tài chính của các công ty ở Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ, 2 nước đứng đầu, vẫn chưa đến mức như ở Thái Lan và Indonesia trong những năm 1990. Ngoài ra, tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ hiện nay khiến nhà đầu tư yên tâm hơn về khả năng trả nợ. Ví dụ, Trung Quốc đã cho thấy dấu hiệu tái cân bằng hướng tới phát triển nhờ tiêu dùng.
Tuy nhiên, gánh nặng nợ nần cũng gây áp lực, buộc các công ty phải luôn làm đúng, đồng thời giảm đi khả năng tồn tại nếu mắc sai lầm.