Những ngày cuối tháng 6-2024, trong vai du khách, phóng viên Báo Người Lao Động trải nghiệm dịch vụ câu mực đêm tại bán đảo Sơn Trà. Đây là loại hình du lịch tự phát đang "nổi như cồn" tại TP Đà Nẵng.
Tàu câu mực "3 không"
Dịch vụ câu mực đang rất "hot" tại TP Đà Nẵng. Qua số điện thoại 0784.570.xxx, phóng viên được một người tên H. mời chào dịch vụ. Theo đó, một tour câu mực dài khoảng 5 giờ. Mỗi đêm một tàu câu mực có thể phục vụ 3 tour, bắt đầu từ 17 giờ mỗi ngày đến rạng sáng. Giá vé dao động từ 250.000 đồng/khách hoặc 2,5 triệu đồng/tàu tùy dịch vụ. Dù không rẻ nhưng hầu hết các chuyến câu mực đều "cháy vé".
Chốt chuyến và đặt cọc, phóng viên được ông H. (khoảng 40 tuổi, trú quận Sơn Trà) hướng dẫn đến một cảng tàu tự phát, nằm dưới chân núi Sơn Trà để lên tàu. Tại đây, một bãi giữ xe được lập nên, có người trông giữ cẩn thận. Ngoài biển, hàng chục tàu câu mực đang đợi sẵn. Chỉ vào một tàu cá sờn cũ, không rõ số hiệu, ông H. cho hay đây sẽ là phương tiện chở đoàn tối nay. Thấy khách e ngại, ông bảo đảm: "Tui đi biển mười mấy năm nay rồi. Yên tâm!".
Sau đó, phóng viên cùng 4 hành khách khác được ông H. đưa lên thuyền thúng chai, chèo ra biển để lên tàu. Đúng 18 giờ, tàu nổ máy, thẳng tiến ra vùng biển cách khu vực chùa Linh Ứng (bán đảo Sơn Trà) khoảng 1 hải lý. Theo quan sát của phóng viên, tàu câu mực thật ra là tàu cá dạng tàu dã cào cải hoán. Trên tàu, ngoài một số cần câu, mì gói, nước ngọt… thì hầu như không có trang thiết bị an toàn như áo phao, thiết bị phòng cháy chữa cháy. Khi được hỏi, chủ tàu cho biết vẫn có áo phao nhưng để dưới hầm tàu, không dùng vì… mang vào rất nóng.
Trần tình về việc tàu không rõ số hiệu, chủ tàu cho rằng chỉ sử dụng phương tiện để chở khách đi loanh quanh gần bờ; đồng thời, cũng tự nhận là tour tự phát, chưa xin phép chính quyền vì sợ rắc rối, thủ tục. "Năm vừa rồi, tui bị biên phòng (Đồn Biên phòng Sơn Trà - PV) phạt 2 lần, mỗi lần mười mấy triệu đồng cũng sợ lắm. Nhưng khách đặt tour nhiều nên cứ liều chạy" - ông H. nói.
Đến khoảng 23 giờ cùng ngày, sau hơn 5 giờ lênh đênh trên biển, ông H. thông báo tour kết thúc, đưa tàu cá quay về. Khi đi ngang khu vực trạm kiểm soát biên phòng, chủ tàu tắt đèn, tắt máy, cho tàu thả trôi về bãi. Quá trình đi câu "chui" ở bán đảo Sơn Trà diễn ra trót lọt, không gặp phải sự tuần tra, kiểm soát của lực lượng chức năng. Lúc lên bờ an toàn, nhiều hành khách mới thở phào khi rời con tàu "3 không".
Đến bãi giữ xe, phóng viên thấy một nhóm khách khác đã sẵn sàng, chờ ông H. hướng dẫn lên tàu, đi câu mực theo tour từ 23 giờ đến rạng sáng.
Cần phát triển bài bản
Không chỉ chở khách đi câu mực đêm, ông H. cho hay nhóm của mình còn cung cấp các dịch vụ lặn biển bắt cá, chở người đi cắm trại đêm trên các bãi Đá Đen, Ghềnh Bàng, Mũi Nghê, Mũi Súng… (thuộc bán đảo Sơn Trà). Đồng thời, sẵn sàng chiết khấu ưu đãi cho các hướng dẫn viên nếu muốn lập tour, tuyến.
Trên mạng xã hội, không khó để bắt gặp các quảng cáo về dịch vụ câu mực đêm ở Sơn Trà. Đơn cử, trang Facebook "Câu mực đêm - Đà Nẵng - Khuê Nguyễn" còn chạy cả quảng cáo với các dịch vụ hấp dẫn cùng số điện thoại hotline 0702.770.xxx. Ngoài ra, phóng viên liên hệ số điện thoại hotline khác như 0795.629.xxx cũng được mời chào dịch vụ tương tự. Hầu hết các tàu đều xuất phát tại khu vực chân núi bán đảo Sơn Trà.
Từng trải nghiệm tour câu mực , anh Nguyễn Trường An (trú quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) cho hay đây là kỷ niệm đáng nhớ nhưng rất nguy hiểm. Đa số du khách không có kỹ năng đi biển nhưng thiết bị an toàn trên tàu lại không bảo đảm. Hơn nữa, vì là dịch vụ "chui" nên khách đi câu luôn trong tâm thế nơm nớp lo bị lực lượng chức năng phát hiện.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, đại diện lãnh đạo Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cho hay hiện thành phố chưa có sản phẩm du lịch câu cá, câu mực trải nghiệm. Đơn vị cũng chưa đề xuất thực hiện dịch vụ du lịch này. Hiện nay, ngư dân có tàu cá tại địa phương hầu hết đều làm dịch vụ "chui", không bảo đảm an toàn cho du khách.
Lãnh đạo Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cho rằng câu cá, câu mực trải nghiệm là sản phẩm đã được thực hiện khá thành công ở các nước du lịch phát triển. Loại hình này không chỉ gia tăng trải nghiệm về văn hóa, đời sống bản địa cho du khách mà còn tạo nguồn thu nhập, giúp ngư dân địa phương gắn bó với biển, ổn định đời sống.
"Dù vậy, để trở thành sản phẩm du lịch đúng nghĩa cần sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan chức năng liên quan. Làm sao vừa đúng quy định pháp luật vừa bảo đảm các yếu tố văn hóa địa phương và trên hết là bảo đảm an toàn cho du khách khi trải nghiệm loại hình dịch vụ này" - lãnh đạo Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng khẳng định.
Bị phạt 25 triệu đồng vì dùng tàu cá chở 8 du khách trái quy định
Thời gian qua, các lực lượng thuộc Đồn Biên phòng Sơn Trà - Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP Đà Nẵng thường xuyên tuần tra, kiểm soát đồng thời xử phạt các phương tiện về hành vi chở người sai quy định khi hoạt động trên biển khu vực bán đảo Sơn Trà. Trả lời phóng viên, lãnh đạo Đồn Biên phòng Sơn Trà cho biết đã nắm thông tin vụ việc, sẽ cho lực lượng tuần tra, xử lý theo đúng quy định pháp luật. Mới đây, ngày 24-4-2024, Đồn Biên phòng Sơn Trà đã lập biên bản đối với ông H.V.U (50 tuổi, ngụ quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng), chủ tàu cá ĐNa-50907 kiêm thuyền trưởng). Ông U. bị phạt 25 triệu đồng vì dùng tàu cá chở 8 du khách không mang áo phao đi lặn biển ngắm san hô, câu cá ở bán đảo Sơn Trà.