Tại Tọa đàm "Giải pháp tài chính đầu tư đường bộ cao tốc: Lựa chọn kênh tiếp cận" do Tạp chí Kinh tế Việt Nam VnEconomy tổ chức mới đây, ông Nguyễn Xuân Bắc, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước cho biết, trước đây, các ngân hàng rất là hồ hởi tham gia vào dự án BOT giao thông, cho vay rất tích cực nhưng sau một thời gian nhìn lại thì phát sinh quá nhiều vấn đề. Hiện nay, các ngân hàng có tâm lý e ngại trong việc thẩm định các các dự án BOT giao thông.
Chẳng hạn, tại BIDV - ngân hàng tài trợ vốn hàng đầu trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại Việt Nam, các dự án ngành giao thông, dự án BOT,..., lãnh đạo nhà băng này cũng bày tỏ nhiều lo lắng và thận trọng.
Ông Nguyễn Quốc Hưng, Giám đốc Ban Tài trợ Dự án - Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, BIDV đã tài trợ vốn cho 33 dự án hạ tầng giao thông với tổng dư nợ xấp xỉ 26.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 25% vốn của ngành ngân hàng trong lĩnh vực BOT. Trong đó, ngân hàng tập trung cho vay vào giai đoạn 2011-2015. Từ 2016 đến nay thì BIDV thận trọng hơn và chỉ cho vay 2 dự án.
Theo đánh giá của ông Hưng, về mặt lợi ích, các dự án BOT giao thông đã góp phần thay đổi đáng kể diện mạo hạ tầng giao thông của đất nước, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Lợi ích của việc cải tạo nâng cao hạ tầng giao thông thông qua các dự án BOT là rất lớn thông qua các vấn đề như là tiết kiệm nhiên liệu, giảm ô nhiễm môi trường, giảm thời gian vận chuyển, giảm mức độ khấu hao hao vào phương tiện, đặc biệt giảm tai nạn giao thông.
Tuy nhiên về khía cạnh là ngân hàng, trong thời gian qua, các dự án BOT giao thông cũng đã bộc lộ nhiều khó khăn vướng mắc, cả các vấn đề liên quan đến chính sách dẫn đến nhiều dự án này không đảm bảo phương án tài chính, doanh thu không đạt theo dự kiến hợp đồng, gặp khó khăn trong việc trả nợ, đặc biệt là có nhiều dự án là không có nguồn thu để trả nợ vay. Chính vì vậy, các ngân hàng nói chung và BIDV nói riêng cũng đã phải thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp như là cơ cấu nợ, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, giảm lãi suất. Tuy nhiên, điều này gây áp lực lớn đến kết quả kinh doanh và tình hình tài chính của ngân hàng. Cộng thêm ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 kéo dài sẽ làm cái áp lực đến cho các dự án BOT giao thông trong thời gian tới.
Đối với các ngân hàng đang tài trợ vốn khi cân đối rủi ro và giữa lợi ích, việc cho vay lĩnh vực BOT đến nay thì cũng chưa đem lại lợi ích tương xứng, trong khi rủi ro thì cứ thường xuyên hiện hữu.
"Qua các khảo sát của chúng tôi, hiện nay rất nhiều dự án có lưu lượng xe đạt phương án dự báo theo phương án tài chính ban đầu. Đồng thời cũng không tăng giá thu phí theo cái hợp đồng BOT đã ký kết với các cơ quan có thẩm quyền, có dự án thì dừng thu phí do sự phản đối của người dân cũng như các doanh nghiệp khu vực gần trạm thu phí, hay các cái tuyến đường bị dừng thu phí cũng do là thường xuyên bị hỏng hóc do vi phạm tài trợ. Rất nhiều vấn đề dẫn tới là cái việc doanh thu giảm, chi phí gia tăng và nguồn thu từ dự án không đủ trả nợ gốc và lãi ngân hàng", ông Hưng cho biết.
Trong khi đó, các dự án giao thông lại đa phần có cái thời gian kéo dài trên 15 năm, thậm chí có nhiều dự án trên 20 năm. Do đó, ngân hàng luôn luôn phải đối mặt với rủi ro từ các dự án BOT trong một thời gian dài.
Về vấn đề này thì BIDV cũng như các ngân hàng thương mại khác thường xuyên có nhiều văn bản kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền, đặc biệt là Bộ Giao thông để xem xét xử lý các khó khăn vướng mắc. Nhưng đến thời điểm hiện tại thì các khó khăn vướng mắc nêu trên cơ bản cũng chưa được các cơ quan có thẩm quyền nhà nước giải quyết tháo gỡ xử lý một cách thỏa đáng.
"Khó khăn đang dồn hết gánh nặng lên vai các nhà đầu tư, các ngân hàng tài trợ vốn. Chúng tôi hơi nhụt chí trong vấn đề xem xét tham gia vào các dự án BOT giao thông tới đây", lãnh đạo BIDV nói.
Ông Nguyễn Xuân Bắc, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh, bản thân các ngân hàng là những cái đơn vị đi huy động vốn trong nền kinh tế, huy động tiền tiết kiệm để cho vay và khi đầu tư vốn tín dụng, ngân hàng cũng phải tính đến việc thu hồi để có tiền hoàn trả lại cho người gửi tiết kiệm.
Ông Bắc cho rằng, nên để cơ chế thị trường vận hành và không nên can thiệp hành chính vào cái việc gọi vốn đầu tư cho các dự bán BOT, nếu việc can thiệp không đúng thì dễ gây ra sự méo mó và hệ lụy. Chẳng hạn như nếu mà các ngân hàng thương mại mà cho vay mà không thu hồi thì chắc chắn sau này sẽ ảnh hưởng đến an toàn của hệ thống ngân hàng, ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô và ảnh hưởng đến khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế phục vụ sản xuất kinh doanh.