Đánh giá về chính sách tiền tệ, tín dụng, ngân hàng, cán cân thanh toán quốc tế, dự trữ ngoại hối tại báo cáo đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2016-2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong giai đoạn 2016-2018, việc điều hành các công cụ chính sách tiền tệ đã đồng bộ, chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khoá và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý đồng thời bảo đảm thanh khoản của các tổ chức tín dụng.
Một số kết quả được chỉ ra như kiểm soát lạm phát và neo giữ kỳ vọng lạm phát ở mức thấp dưới 4%, đạt mục tiêu và kế hoạch đề ra. Lạm phát bình quân năm 2016-2017 và 8 tháng đầu năm 2018 lần lượt là 2,66%; 3,53% và 3,52%, luôn duy trì ở mức thấp hơn mục tiêu do Quốc hội đề ra (khoảng 4%).
Việc lạm phát cơ bản từ 2016 tới nay tương đối ổn định, cụ thể, năm 2016, 2017 và 7 tháng đầu năm 2018 lần lượt 1,83%; 1,41% và 1,36% tạo dư địa để Chính phủ điều chỉnh giá các mặt hàng và dịch vụ nhà nước quản lý.
Bên cạnh đó, tỷ giá, lãi suất cũng được ổn định theo chiều hướng giảm dần trong khi môi trường thế giới đầy biến động góp phần kiểm soát tiền tệ không tạo ra áp lực gia tăng lạm phát, kết quả là dự trữ ngoại hối tăng lên mức kỷ lục nhưng mức tăng của M2, tỷ giá giao dịch các ngân hàng thương mại diễn biến trong biên độ cho phép, thanh khoản ngoại tệ toàn hệ thống tốt; lãi suất huy động sau khi tăng 0,2-0,3%/năm trong 3 tháng đầu năm 2016 thì từ tháng 4 đã ổn định, mặt bằng lãi suất cho vay về cơ bản đã ổn định, lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên giảm khoảng 0,5%/năm.
Về nguồn vốn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, nguồn cung ứng vốn đã đảm bảo đáp ứng nhu cầu phát triển của nền kinh tế, hỗ trợ qúa trình hồi phục tăng trưởng vững chắc thông qua việc điều hành tín dụng linh hoạt, phù hợp với mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên gồm nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao… Việc phân bổ vốn cũng gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, kiểm soát chặt chẽ nhu cầu vay vốn bằng ngoại tệ đảm bảo phù hợp với chủ trương về hạn chế Đô la hoá trong nền kinh tế, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống năm 2016, 2017 và 8 tháng đầu năm 2018 lần lượt là 18,25%, 18,24% và 8,18%.
Về thị trường vàng, giá vàng trong nước cũng diễn biến tương đối ổn định và biến động trong biên độ hẹp ngay cả khi vàng quốc tế diễn biến phức tạp, không còn các cơn sốt vàng miếng, không còn tình trạng đầu cơ, làm giá trên thị trường.
“Kể từ 2014 đến nay, chưa phải sử dụng ngoại tệ để nhập khẩu vàng can thiệp, bình ổn thị trường vàng miếng, tình trạng vàng hoá trong nền kinh tế tiếp tục được hạn chế”, báo cáo cho biết.
Về hoạt động trong lĩnh vực thanh toán và công tác thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục có bước phát triển mạnh trên nhiều mặt, phát triển các mô hình tổ chức, tỷ lệ thanh toán tiền mặt trong tổng phương tiện thanh toán trong nền kinh tế có xu hướng giảm dần.
Hệ thống các tổ chức tín dụng được củng cố, tỷ lệ nợ xấu và các vấn đề yếu kém của hệ thống các tổ chức tín dụng đã cơ bản được xử lý, nợ xấu tiếp tục được kiểm soát, xử lý hiệu quả và duy trì mức dưới 3%. Fitch ratings và Moody’s đã lần lượt nâng hạng tín nhiệm của Việt Nam vào tháng 3 và tháng 8.
Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đánh giá, công tác điều hành và thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô của chính sách tiền tệ vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro và thách thức do độ mở của nền kinh tế là rất lớn, khả năng chống chịu của nền kinh tế trong nước chưa thực sự vững chắc trong khi tình hình kinh tế thế giới và trong nước vẫn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn.
“Nợ xấu chưa thể xử lý nhanh được do nhiều khoản nợ liên quan đến vụ án, hồ sơ pháp lý chưa hoàn chỉnh và khả năng trích lập dự phòng rủi ro của các tổ chức tín dụng còn nhiều hạn chế”, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá.