Nợ xấu giảm mạnh
Bên cạnh con số lợi nhuận tăng mạnh so với năm 2018, báo cáo tài chính năm 2019 của không ít ngân hàng còn ghi nhận nợ xấu giảm mạnh cả về tỷ lệ lẫn giá trị tuyệt đối, cho thấy nợ xấu giảm thực chất hơn. Đáng chú ý là nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) của nhiều ngân hàng cũng giảm.
Hiện ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất hệ thống có lẽ là ACB. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu so với tổng dư nợ tín dụng của nhà băng này tiếp tục giảm từ mức 0,73% vào cuối năm 2018 về còn 0,54% tại thời điểm xuối năm 2019. Nguyên nhân do giá trị nợ xấu của ACB giảm thêm 226 tỷ đồng trong năm vừa qua xuống còn 1.449 tỷ đồng, trong đó nợ nhóm 5 giảm 261 tỷ đồng xuống còn 903 tỷ đồng; trong khi tín dụng của nhà băng này tăng tới 16,8%.
Cũng có biễn biến nợ xấu tương tự như ACB, giá trị nợ xấu của Vietcombank cũng giảm 499 tỷ đồng xuống còn 5.724 tỷ đồng (trong đó nợ nhóm 5 giảm 242 tỷ đồng xuống còn 4.529 tỷ đồng), qua đó kéo tỷ lệ nợ xấu giảm tiếp về còn 0,78% từ mức 0,98% tại thời điểm cuối năm 2018.
Nhà băng xử lý nhiều nợ xấu nhất trong năm qua có lẽ là VietinBank khi mà giá trị nợ xấu của nhà băng này giảm mạnh từ 13.691 tỷ đồng xuống còn 10.813 tỷ đồng (giảm 2.875 tỷ đồng), trong đó nợ nhóm 5 giảm từ 9.470 tỷ đồng xuống còn 7.204 tỷ đồng (giảm 21%); tỷ lệ nợ xấu vì thế cũng giảm từ mức 1,58% về còn 1,16%.
Tuy nhiên vẫn có một số ngân hàng nợ xấu tiếp tục tăng lên. Chẳng hạn nợ xấu của LienVietPostBank, nếu so với tổng nợ xấu tại thời điểm cuối năm 2018 là hơn 1.680 tỷ đồng, con số nợ xấu (gồm nợ các nhóm 3, 4 và 5) cuối năm 2019 của ngân hàng này trên 2.030 tỷ đồng, tương đương mức tăng tới gần 21%...
Mặc dù vậy, tính chung trong năm qua nợ xấu của 10 ngân hàng cổ phần lớn nhất về tổng tài sản (đã có báo cáo tài chính) giảm 1.515 tỷ đồng xuống còn 64.831 tỷ đồng. Còn theo báo cáo của NHNN Việt Nam, ước tính đến tháng 12/2019, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống các TCTD ở mức 1,89% (hoàn thành mục tiêu dưới 2%). Tính từ năm 2012 đến cuối tháng 12/2019, toàn hệ thống các TCTD ước tính đã xử lý được 1.064 nghìn tỷ đồng nợ xấu.
Gia tăng nguồn lực xử lý nợ xấu
Lợi nhuận tăng trưởng mạnh trong năm qua cũng giúp các ngân hàng có thêm nguồn lực để xử lý nợ xấu. Điều đó thể hiện qua tỷ lệ bao phủ nợ xấu (được tính bằng số dư dự phòng rủi ro của các khoản nợ xấu/nợ xấu) tại nhiều nhà băng tăng mạnh so với năm trước.
Chẳng hạn như tại Vietcombank, mặc dù nợ xấu giảm mạnh về còn 5.724 tỷ đồng, thế nhưng số dư dự phòng rủi ro của nhà băng này vẫn tăng thêm 123 tỷ đồng lên 10.417 tỷ đồng, qua đó nâng tỷ lệ bao nợ xấu tăng lên mức 182% từ mức 165% hồi đầu năm 2019. Hiện Vietcombank cũng là ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao nhất trong hệ thống.
Nhiều ngân hàng khác cũng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu trên ngưỡng 100% như BacABank là 131,45%, VietinBank là 119,7% và MB là 110,5%... Tuy nhiên vẫn còn một số ngân hàng có tỷ lệ này ở mức khá thấp như Saigonbank là 40,9%...
Theo quy định hiện hành, các ngân hàng phải trích lập dự phòng rủi ro tín dụng để dự phòng cho những tổn thất có thể xảy ra trong quá trình hoạt động cho vay của ngân hàng. Số dự phòng rủi ro cần phải trích lập bao gồm dự phòng cụ thể và dự phòng chung. Hiện dự phòng chung được tính bằng 0,75% tổng giá trị của các khoản nợ từ nhóm 1 đến nhóm 4; trong khi dự phòng rủi ro cụ thể đối với nợ nhóm 1 là 0%; nhóm 2 là 5%; nhóm 3 là 20%; nhóm 4 là 50% và nhóm 5 là 100%.
Mặc dù việc duy trì tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao sẽ làm giảm lợi nhuận của các ngân hàng, thế nhưng theo các chuyên gia, đó là nguồn lực cần thiết để các ngân hàng xử lý nợ xấu trong hoạt động tín dụng. Đó cũng là lý do NHNN trước đây đã cấm các nhà băng chưa trích lập đủ dự phòng rủi ro sẽ không được chia cổ tức, lợi nhuận để các nhà băng có nguồn lực xử lý nợ xấu.
Trên thực tế, trong năm qua đã có khá nhiều ngân hàng mua lại nợ xấu đã bán cho VAMC để tự xử lý, trong đó bao gồm cả việc xử lý bằng nguồn dự phòng rủi ro tín dụng. Theo đó, đến nay đã có 11 ngân hàng công bố đã sạch nợ xấu tại VAMC, đây được xem là tín hiệu tích cực trong quá trình xử lý nợ xấu của hệ thống.
Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia cảnh báo tình hình nợ xấu của các ngân hàng còn diễn biến phức tạp, nhất là khi dịch COVID-19 đã và đang tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp thuộc nhiều ngành nghề khác nhau.