Đến thời điểm này, hầu hết các ngân hàng đã công bố công khai báo cáo tài chính quý 3/2018, trong đó 16 ngân hàng có nợ xấu gia tăng. Tỷ lệ nợ xấu tăng từ 0,4%-1,3%, tùy ngân hàng. Nếu tính cả lượng nợ xấu vẫn “nằm” tại Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), nợ xấu nội bảng của các ngân hàng thương mại khoảng 145.000 tỷ đồng.
Do đó, nếu không nhanh chóng xử lý những khoản nợ này, nguy cơ nợ xấu sẽ tiếp tục “phình” to tại nhiều ngân hàng.
Xử lý nợ xấu đang là vấn đề khó khăn tại nhiều ngân hàng hiện nay. (Ảnh minh họa: KT)
“Cục xương khó nhằn”
Trước tình hình như vậy, VAMC cùng nhiều ngân hàng đang ráo riết bắt tay xử lý nợ, thanh lý tài sản bảo đảm, trong đó nhiều khoản nợ lớn được hạ giá hàng trăm tỷ đồng.
Điển hình, mới đây, VAMC vừa thông báo đấu giá lần thứ 6 khoản nợ của Công ty Thuận thảo Nam Sài Gòn và 95 khách hàng cá nhân với tổng dư nợ là 2.378 tỷ đồng tại BIDV Phú Tài. Giá khởi điểm được đưa ra lần này chỉ còn 843,7 tỷ, giảm 140 tỷ so với trước đó và so với mức giá cao nhất từng đưa ra đã giảm 364 tỷ đồng.
Hay ngân hàng Agribank cũng đang chào bán nhiều khoản nợ, trong đó đáng chú ý là khoản nợ xấu của Tập đoàn Đông Thiên Phú vay tại Agribank chi nhánh Sở giao dịch. Giá khởi điểm 160,5 tỷ đồng, giảm tới 80 tỷ so với thông báo đấu giá hồi tháng 9. Không chỉ những khoản nợ lớn rao bán mãi không ai mua, mà nhiều khoản nợ giá trị nhỏ ở Agribank cũng ở trường hợp tương tự…
Thực tế này cho thấy, tiến trình xử lý nợ xấu đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Theo TS. Lê Đăng Doanh, với khối lượng nợ xấu lớn, giảm được như hiện nay đã là bước tiến rất đáng kể. Tuy vậy, để giảm tiếp nữa thì đây lại là “cục xương khó nhằn” bởi nó liên quan đến các dự án của doanh nghiệp Nhà nước, nếu không có nguồn vốn nào khác hỗ trợ thì các doanh nghiệp Nhà nước vốn dĩ đã khó khăn rồi thì rất khó để có thể tiếp tục xử lý được.
Do đó, ông Doanh cho rằng, vấn đề xử lý nợ xấu hiện nay không hề dễ dàng. Muốn giải quyết thì phải có quỹ, nguồn vốn để hỗ trợ việc này.
Cần "cởi trói" từ quy định pháp lý
Chuyên gia tài chính-ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu lý giải, vấn đề xử lý nợ xấu đang khó khăn, vướng ở nhiều điểm. Đó là, Nghị quyết 42 của Quốc hội ra đời để hỗ trợ xử lý nợ xấu, thế nhưng đó chỉ là đưa ra cơ chế, thực tế việc xử lý nợ xấu không chỉ dựa vào cơ chế mà thành phần xử lý nợ xấu bao gồm: ngân hàng, con nợ và các bên liên quan như, tòa án, chính quyền địa phương, cơ quan an ninh… tùy thuộc vào sự tương tác của những đối tác đó trong việc bắt tay xử lý nợ xấu.
TS. Hiếu băn khoăn, phần lớn nợ xấu có tài sản bảo đảm bằng bất động sản. Trong khi việc xử lý loại tài sản này ở Việt Nam phải qua rất nhiều công đoạn phức tạp, đó là ngân hàng phải đưa ra đấu giá tài sản bảo đảm, nếu bán giá khởi đầu thấp quá thì phải tiến hành đấu giá lại... Nói chung, thủ tục đấu giá rất rườm rà và rắc rối.
“Theo thống kê của NHNN, hiện tại, tỷ lệ nợ xấu đã giảm đi nhiều. Trên cơ sở về số học, nhiều món nợ xấu đã được xử lý nhưng khối lượng nợ xấu của quốc gia còn rất lớn, rất nhiều tài sản bảo đảm. Đáng chú ý, hàng loạt món nợ xấu mà chủ yếu là bất động sản có giá trị khủng từ vài trăm đến hàng ngàn tỉ đồng được VAMC lẫn các ngân hàng ra sức rao bán nhưng rất hiếm thương vụ giao dịch thành công. Đơn cử như dự án cao ốc Sài Gòn One Tower tại TP. HCM được rao bán với giá khoảng 7.000 tỷ đồng nhưng hơn một năm qua chưa bán được, vẫn “án binh bất động”, ông Hiếu cho hay.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho biết thêm, bên cạnh nợ xấu còn tồn đọng, còn có những món nợ xấu mới phát sinh trong thời gian qua khi các ngân hàng tăng trưởng tín dụng rất mạnh. Điều này gần như là quy luật, hễ đẩy mạnh tín dụng lên thì nợ xấu sẽ phát sinh. Thành ra nợ cũ đọng lại, nợ xấu thì đắp bồi lên.
Hiện, nhiều ngân hàng cố gắng xử lý nợ xấu nhưng thời gian quá ngắn để có thể xử lý một cách hiệu quả. Chỉ còn 1 tháng nữa năm 2018 sẽ kết thúc, nhiều ngân hàng dùng những biện pháp kỹ thuật xử lý chỉ để “làm đẹp” con số trong sổ sách, về thực chất không giải quyết được vấn đề. Do vậy, tình hình xử lý nợ xấu hiện nay không khả quan.
“Quy trình xử lý nợ xấu, nhất là vấn đề đấu giá phải có quy định thông thoáng hơn và nên học hỏi kinh nghiệm từ những nước có nền kinh tế phát triển mạnh. Với một nền kinh tế chưa phải là nền kinh tế thị trường hoàn hảo vẫn còn nhiều quy định bị ràng buộc bởi pháp luật, vấn đề quan trọng là phải cởi trói những quy định đó để hướng các ngân hàng đến việc xử lý nợ xấu thực chất hơn”, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết./.