3 tháng đầu năm khép lại, bức tranh hoạt động kinh doanh của các ngân hàng Việt trong quý 1 dần hiện ra. Nhìn chung, lợi nhuận của các ngân hàng tiếp tục tăng trưởng, mặc dù tốc độ có phần chững lại so với 2 năm trước; tăng trưởng tín dụng đi cụ thể vào từng ngân hàng có sự phân hóa rõ rệt. Bên cạnh kết quả lãi, thị trường cũng rất chú ý tới chất lượng tăng trưởng của các ngân hàng mà một trong số đó là con số nợ xấu.
Theo thống kê từ 22 ngân hàng cho thấy, đến cuối quý 1, tổng số nợ xấu đã lên tới hơn 84.200 tỷ, tăng hơn 4.600 tỷ trong 3 tháng, tương đương với tăng 5,9%. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng dư nợ cho vay của 22 ngân hàng này ở mức thấp hơn, chỉ đạt 3,46%. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay của những ngân hàng này nói chung tăng từ mức 1,62% lên 1,66%.
Số ngân hàng có nợ xấu tăng vẫn chiếm đa số: 15/22 ngân hàng có nợ xấu tuyệt đối tăng so với thời điểm đầu năm và xét về tỷ lệ nợ xấu/ dư nợ cho vay thì cũng có 14/22 ngân hàng tăng.
Ngân hàng có nợ xấu tăng mạnh nhất trong 3 tháng đầu năm là VietinBank, tăng tới 2.272 tỷ đồng lên mức 15.963 tỷ, chủ yếu do nợ nhóm 3 và nợ nhóm 5. So với cách đó 1 năm, khối nợ xấu tại VietinBank đã tăng hơn 5.600 tỷ.
Đáng chú ý, nợ xấu của ngân hàng này tăng mạnh trong khi tín dụng liên tục sụt giảm 2 quý liên tiếp. Dư nợ cho vay của VietinBank cuối tháng 3 là 845.319 tỷ đồng, giảm 6.600 tỷ so với hồi đầu năm.
Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay của ngân hàng theo đó cũng tăng từ 1,58% lên mức 1,85%. Nợ có khả năng mất vốn đang chiếm tới hơn 65% tổng số nợ xấu của nhà băng này.
Nợ xấu cũng bất ngờ tăng mạnh ở Vietcombank với mức tăng là 729 tỷ đồng (tăng 11,7%), đẩy khối nợ xấu lên mức 6.952 tỷ. Tỷ lệ nợ xấu cũng tăng theo, từ mức 0,98% lên 1,03%.
Theo sau VietinBank và Vietcombank là VPBank khi nợ xấu tại đây tăng 610 tỷ đồng trong quý 1 lên mức 8.376 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay ở ngân hàng hợp nhất đã lên tới 3,62%, chủ yếu do nợ xấu tăng mạnh ở ngân hàng mẹ. Tính riêng ngân hàng mẹ, tỷ lệ nợ xấu cũng đã lên suýt soát 3% từ mức 2,72% hồi đầu năm.
Các ngân hàng lớn khác như Sacombank, MBBank, Techcombank, SHB,… cũng có nợ xấu tăng trong quý 1. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay ở những ngân hàng này lần lượt là 2,14%; 1,41%; 1,78% và 2,4%.
2 ngân hàng nhỏ có tốc độ tăng trưởng cho vay khá cao trong quý 1 là OCB và TPBank cũng có nợ xấu tăng mạnh. Nợ xấu nội bảng tại OCB cuối tháng 3 là 1.721 tỷ đồng, tăng 33,6% so với đầu năm; còn tại TPBank là 1.175 tỷ đồng, tăng 36,5%. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay của OCB tăng từ 2,29% lên 2,82%; của Tpbank tăng từ 1,12% lên 1,39%.
Trong khi nợ xấu tăng ở hầu hết các ngân hàng lớn, BIDV – ngân hàng có nhiều nợ xấu nội bảng nhiều nhất lại ghi nhận sự chuyển biến tích cực hơn. Tổng nợ xấu của nhà băng này giảm 927 tỷ trong 3 tháng đầu năm, xuống mức 17.875 tỷ đồng. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu giảm từ 1,9% xuống mức 1,74%.
Ngoài BIDV, còn có 6 ngân hàng khác cũng có nợ xấu giảm trong quý 1 như Eximbank, HDBank, ACB, SeABank, BaoVietBank, NamABank.
Đa số các ngân hàng đều đang giữ được tỷ lệ nợ xấu dưới mức 3% và chỉ khoảng 7/22 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao hơn 2%. Dù vậy, việc nợ xấu tiếp tục tăng trong quý 1/2019 vẫn gây không ít lo ngại, đặc biệt là khi nợ có khả năng mất vốn đang chiếm tỷ lệ khá cao ở nhiều ngân hàng.