Lý giải về tình hình kinh doanh lao dốc thảm hại trong quý II/2022, các ông lớn công nghệ như Google, Meta, Snap... đều đồng loạt nhắc đến hai cái tên: Apple và TikTok.
Trong nhiều năm, tăng trưởng dường như là kịch bản mặc định của nhiều hãng công nghệ hàng đầu thế giới, song thời gian gần đây, thực tế đó đang dần thay đổi. Nó được thể hiện rõ nét nhất trong báo cáo kinh doanh quý vừa qua của nhóm Big Tech với những dự báo tương lai không mấy khả quan. Trong đó, Apple và TikTok liên tục bị “réo tên’’, không trực tiếp thì gián tiếp.
Với TikTok, lượng người dùng hàng tháng đã tăng lên mốc 1 tỷ sau 5 năm - điều mà Facebook và Instagram phải mất 8 năm mới thực hiện được. Trong khi đó, chính sách thay đổi dữ liệu của Apple cũng khiến các công ty khác, đặc biệt là Meta, buộc phải điều chỉnh lại mô hình hoạt động sau khi thâm hụt khá nhiều khả năng nhắm mục tiêu và đo lường hiệu quả quảng cáo. Google, với mảng kinh doanh tìm kiếm cốt lõi, đã may mắn miễn nhiễm với sự thay đổi của Apple, đồng thời cho biết có thể sớm giới thiệu một bản cập nhật quyền riêng tư tương tự cho các ứng dụng Android.
Snap là một trong những công ty có kết quả kinh doanh “thảm” hơn cả. Theo nhà phân tích Dan Ives của Wedbush Securities, bản báo cáo của Snap không khác gì một "con tàu đắm" trong mối lo về sự chậm lại của quảng cáo kỹ thuật số, chính sách về quyền riêng tư của Apple và tốc độ bành trướng ngày càng khủng khiếp của TikTok. Giám đốc tài chính Derek Anderson xác nhận TikTok là một trong những nguyên nhân chính khiến doanh thu của Snap không đạt kỳ vọng.
"Kết quả quý II/2022 không phản ánh đúng tham vọng của chúng tôi", CEO Evan Spiegel nói.
Nỗi ám ảnh mang tên Apple và TikTok: 'Cơn gió ngược' khiến một loạt gã khổng lồ công nghệ gặp trúc trắc, không thể bật cỗ máy kiếm tiền tỷ
Tình hình kinh doanh của Twitter cũng không mấy khả quan. Dù đổ lỗi một phần cho thương vụ trúc trắc với Elon Musk, song nền tảng mạng xã hội này cũng buộc phải thừa nhận doanh thu giảm so với cùng kỳ năm trước là do ngành quảng cáo đang gặp nhiều khó khăn. Twitter cho biết công ty đang phải trải qua những "cơn gió ngược" và theo Wired, nền tảng này dường như ám chỉ Apple với các thay đổi về chính sách quyền riêng tư.
Mới đây, Alphabet, công ty mẹ Google cũng báo cáo tốc độ tăng trưởng doanh thu theo quý chậm nhất trong 2 năm trở lại đây. Nguyên nhân được cho là do những áp lực trên thị trường quảng cáo kỹ thuật số cùng sự cạnh tranh ngày càng lớn từ YouTube Shorts. Đây là tính năng video ngắn giống TikTok và thu hút hơn 1,5 tỷ người xem mỗi tháng.
Meta có lẽ là gã khổng lồ “gặp hạn” nhất trước quyết định thay đổi chính sách của Apple cùng sự cạnh tranh lớn đến từ TikTok. Theo, Zuckerberg đó là lý do vì sao Meta phải tập trung vào Reels, tính năng video ngắn trong dài hạn. Hiện Reels chiếm hơn 1/5 thời gian mà người dùng dành cho nền tảng và Zuckerberg kỳ vọng những cải tiến về AI sẽ làm câu chuyện này trở nên hấp dẫn hơn nữa.
"Sự xuất hiện của TikTok khiến các mạng xã hội nhận ra họ không còn là mạng xã hội nữa mà chỉ là phương tiện truyền thông. Sự công nhận này là điều mà các công ty khác, đặc biệt là Meta đang cố gắng theo dõi. Không còn nghi ngờ gì, bạn bè và gia đình giờ đây không còn là nguồn tương tác chính trên Instagram hay Facebook nữa. Họ đang chơi trò đuổi bắt và người dùng dường như không chỉ có 1 mà là 3 ứng dụng video ngắn”, Jay Owens, một chuyên gia độc lập trong lĩnh vực kỹ thuật số, nhận xét.
Facebook ghi nhận lần sụt giảm người dùng đầu tiên vì sự bành trướng của TikTok
Trước đó, Mark Zuckerberg từng thừa nhận công ty có thể mất 10 tỷ USD doanh thu quảng cáo trong năm nay vì ATT (tính năng mà Apple triển khai từ bản iOS 14.5, cho phép người dùng từ chối bị các ứng dụng theo dõi để hiển thị quảng cáo mục tiêu). Giám đốc tài chính Meta Dave Wehner và Giám đốc kinh doanh Philipp Schindler của Alphabet cũng khẳng định rằng, ATT sẽ khiến ngành quảng cáo kỹ thuật số đứng trước thách thức lớn về tăng trưởng.
"Sự phổ biến của TikTok cùng những thay đổi của Apple khiến các công ty như Meta, Twitter gặp khó khăn hơn trong việc kiếm tiền và buộc phải thiết kế lại sản phẩm", Andrew Rosen, người sáng lập và CEO công ty phân tích truyền thông Parqor nhận định.
Theo: The Wired