“Phong trào” phản đối chủ đầu tư
Thời gian gần đây, ở nhiều chung cư, để gây sức ép tới chủ đầu tư giải quyết các đề nghị, yêu sách của mình, cư dân thường hay sử dụng phương án căng băng rôn, hay tụ tập dân cư phản đối.
Phong trào căng băng rôn phản đối chủ đầu tư xảy ra ở chung cư giá rẻ, bình dân cho đến cao cấp, bắt nguồn từ rất nhiều nguyên nhân như: bàn giao không đúng tiến độ, CĐT chây ỳ không chịu tổ chức hội nghị nhà chung cư, bầu ban quản trị, bàn giao phí bảo trì, cho đến phí dịch vụ đắt đỏ, chưa bàn giao sổ đỏ…
Việc căng băng rôn phản đối ngày càng được cư dân sử dụng và nhiều đến nỗi được ví von như một “phong trào”. Theo ý kiến các luật sư, việc cư dân đấu tranh yêu cầu chủ đầu tư thực hiện theo cam kết là một điều chính đáng. Tuy nhiên, không phải cứ biểu tình là sẽ được chủ đầu tư đáp ứng mọi yêu sách bởi vì mọi yêu cầu, đề nghị đều phải có căn cứ và trên cơ sở luật pháp. Biện pháp được khuyến nghị vẫn là đối thoại trực tiếp, không nên căng thẳng biến các tranh chấp thành các khiếu kiện kéo dài gây căng thẳng cho cả hai bên và không có lối thoát.
Những cuộc chiến vào ngõ cụt
Quan sát các cuộc “nội chiến” gần đây có thể thấy nhiều CĐT lâm vào tình thế càng nhượng bộ, càng lùi thì dân cư càng làm căng gây sức ép. Có những dự án CĐT chấp nhận thương hiệu bị ảnh hưởng chứ không thể giải quyết được khúc mắc cho dân do vấn đề nằm ngoài khả năng, thẩm quyền của CĐT. Như một dự án ở Trung Kính, quận Cầu Giấy vừa xảy ra hồi tháng 7, cho dù dân cư căng băng rôn, gây sức ép báo chí nhưng do yêu cầu mở lối vào không thể thực hiện bởi vướng một dự án khác của thành phố chưa triển khai nên CĐT chỉ có thể tìm giải pháp tình thế vì quyết định mở đường nằm ngoài tầm với của CĐT.
Mới đây khu Ruby của KĐT Goldmark City lại xuất hiện màu đỏ rực của băng rôn yêu cầu CĐT phải xây tường rào bao quanh khu. Được biết việc treo băng rôn này được nhóm cư dân thực hiện khá bài bản, với mục đích muốn gây sức ép với CĐT để xây tường rào quanh KĐT, để không bị chia sẻ tiện ích với người dân ngoài khu vực.
Theo đại diện Việt Hân (chủ đầu tư dự án GoldMark City): đơn vị này đã nhiều lần giải thích với dân về vấn đề quy hoạch đường nội bộ. Tại Quyết định số 2106/QĐ-UBND ngày 11/5/2016 của UBND TP Hà Nội phê duyệt chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Khu nhà ở - Văn phòng – Dịch vụ 136 Hồ Tùng Mậu (tên của dự án Goldmark City) quy định: Phía Bắc dự án là đường giao thông và giáp khu đất dự án Vinaconex 7; Phía Tây giáp khu dân cư Hoàng Công Chất hiện có. Bản đồ quy hoạch đường giao thông kèm theo văn bản này thể hiện đường giáp khu dân cư Hoàng Công Chất là đường nội bộ. “Tuy nhiên chủ trương của thành phố quy hoạch dự án này theo hướng mở, liên thông giao thông giữa dự án và khu vực xung quanh. Chủ đầu tư đã nhiều lần gửi văn bản xin phép chính quyền về việc này nhưng chỉ đạo của quận là không được phép xây dựng tường rào kiên cố. Chúng tôi đang cố gắng tìm thêm giải pháp “rào mềm” khác để vừa giải quyết được mong muốn của cư dân vừa phù hợp với quy hoạch của thành phố”.
Theo luật sư thì với một dự án lớn thì vấn đề xây tường rào chỉ là “chuyện nhỏ”. Việc hiểu “đường nội bộ” của dự án nghĩa là được phép xây tường rào trên đất dự án là không chính xác. Việc đưa ra các kiến nghị, yêu sách cũng cần trên cơ sở đúng luật, hợp tình hợp lý, nếu đưa ra yêu sách ngoài khả năng giải quyết của CĐT thì bản thân các bên đều căng thẳng, không lối thoát.
Có thể thấy việc xây dựng các khu dân cư, đô thị mới văn minh là một việc không hề đơn giản và đòi hỏi trách nhiệm không chỉ từ các cơ quan quản lý trong việc ban hành đồng bộ các quy định, chế tài quản lý chung cư mới. Với các chủ đầu tư thì đó là việc tuân thủ trong đầu tư và vận hành dự án. Còn với cư dân cũng cần xây dựng được thái độ, ứng xử đúng đắn bởi họ mới là các nhân tố quyết định môi trường sống của cả khu đô thị sau này. Các bên cần tăng cường đối thoại trên cơ sở hiểu biết, tìm lối thoát giải quyết các khúc mắc một cách hiệu quả, tránh để bức xúc leo thang vì suy cho cùng nếu biến mối quan hệ giữa CĐT và cư dân thành đối đầu thì cả hai bên đều thiệt hại và mệt mỏi.