Do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 gây ra, doanh nghiệp rơi vào cảnh khó khăn cả về nguồn nguyên liệu sản xuất đến nhân sự, nhất là thời gian cao điểm buộc phải cách ly xã hội.
Tại Bình Dương, báo cáo cho thấy chỉ số sản xuất công nghiệp quý I/2020 tăng 6,14%, thấp hơn 1,02% so với mức tăng 7,16% của quý I/2019. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ quý I/2020 tăng 11,65% so với cùng kỳ nhưng mức tăng trưởng đã thấp hơn 3% so với mức tăng của quý I/2019. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa quý I/2020 ước đạt 5.839 triệu đô la Mỹ, tăng 3,6% so với cùng kỳ, thấp hơn 9,8% so với mức tăng trưởng của quý I/2019. Kim ngạch nhập khẩu quý I/2020 ước đạt 4.200,1 triệu đô la Mỹ, tăng 4,3% so cùng kỳ, thấp hơn 1% so với mức tăng trưởng của quý I/2019.
Các doanh nghiệp trên địa bàn Bình Dương đã ký hợp đồng và chuẩn bị nguồn nguyên vật liệu để duy trì sản xuất đến tháng 4-5/2020 thì đến nay hoạt động tương đối ổn định. Tuy nhiên, do thiếu nguồn nguyên liệu, thiếu lao động là chuyên gia nước ngoài, việc tuyển dụng lao động cũng đang gặp khó khăn, một số doanh nghiệp phải hoạt động dưới công suất, hoạt động cầm chừng.
ình Dương đang nỗ lực giải cứu doanh nghiệp vượt khó thời dịch
BNhững khó khăn được thể hiện rõ thông qua kết quả đạt được. Theo đó, vốn đăng ký kinh doanh trong nước, thu hút đầu tư nước ngoài của tỉnh Bình Dương giảm, chỉ bằng 54% so với cùng kỳ năm 2019; số doanh nghiệp gặp khó khăn phải giải thể tăng 63%.
Từ đó, Bình Dương đã cụ thể hóa các giải pháp như: tiếp cận vốn, tín dụng, tài chính, thuế, thương mại, thanh toán điện tử; cắt giảm thủ tục hành chính, chi phí cho doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp thụ hưởng các chính sách hỗ trợ về thuế, bảo hiểm và các vấn đề khác theo chỉ đạo của Chính phủ và các Bộ, ngành.
Lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã yêu cầu Sở Tài chính triển khai kịp thời các biện pháp, chính sách của Trung ương, Bộ Tài chính ban hành trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là các chính sách về miễn, giảm thuế, phí, lệ phí; đồng thời tham mưu phương án giảm phí, lệ phí thuộc thẩm quyền của tỉnh nhằm tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Phía Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bình Dương theo dõi tình hình các trường hợp vay vốn chịu ảnh hưởng của dịch để áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí… một cách phù hợp, đúng quy định theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Trong khi đó, Bảo hiểm Xã hội tỉnh Bình Dương phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai hướng dẫn thực hiện tạm dừng đóng Bảo hiểm xã hội đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và không tính lãi chậm nộp phạt. Cục Thuế, Cục Hải quan xem xét không tổ chức kiểm tra định kỳ trong năm 2020 đối với các doanh nghiệp không có dấu hiệu vi phạm để doanh nghiệp tập trung giải quyết khó khăn.
UBND tỉnh Bình Dương chỉ đạo Sở Công Thương Bình Dương rà soát về thực trạng, nhu cầu nguyên vật liệu đầu vào, đề xuất các giải pháp để đa dạng hóa, bảo đảm đủ nguồn cung cho hoạt động sản xuất trên địa bàn. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thống kê tình hình lao động nước ngoài trở lại làm việc; có phương án hỗ trợ đào tạo lao động phù hợp và hỗ trợ người lao động bị thôi việc, mất việc làm do ảnh hưởng của dịch COVID-19; báo cáo thực trạng và giải pháp quản lý lao động nước ngoài đang làm việc tại Bình Dương, nhất là lao động đến từ vùng dịch hoặc di chuyển qua vùng dịch để có phương án hỗ trợ doanh nghiệp tìm nguồn lao động thay thế kịp thời.
"Đây là thời điểm hơn bao giờ hết chúng ta phải thể hiện sự sát cánh, đồng hành cùng với doanh nghiệp, cùng gánh vác, chia sẻ, tích cực hỗ trợ để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp”, ông Trần Văn Nam – Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương nói.