Văn phòng UBND TPHCM cho biết, liên quan dự án Metro số 2 nối dài (đoạn Bến Thành đến Thủ Thiêm) và tuyến metro số 5 giai đoạn 2 (đoạn ngã tư Bảy Hiền đến Bến xe Cần Giuộc mới), Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu các sở ngành liên quan lựa chọn phương án tài chính phù hợp theo hình thức PPP để đầu tư xây dựng tuyến Metro số 2.
Theo đó, UBND TPHCM chấp thuận Ban Quản lý Đường sắt đô thị xây dựng đề bài, tiêu chí từ nguồn chi thường xuyên để tổ chức lựa chọn tư vấn lập phương án tài chính, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi 2 dự án.
Sau khi báo cáo nghiên cứu tiền khả thi được duyệt, thành phố sẽ tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo đúng quy định hiện hành. Sở Tài chính hướng dẫn thủ tục đề xuất kinh phí, giải ngân và thanh quyết toán theo đúng quy định.
Được biết, tuyến Metro số 2 dài gần 20 km, điểm đầu tại khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2) và điểm cuối ở Bến xe An Sương (quận 12). Trong giai đoạn đầu, TPHCM sẽ xây dựng đoạn từ Bến Thành đến Tham Lương dài 11km, có 11 nhà ga.
Đoạn Bến Thành - Tham Lương bắt đầu từ nhà ga Bến Thành (quận 1) rồi đi ngầm 9,3 km trước khi chạy lên mặt đất tại quận Tân Phú, xuyên qua một cửa ngầm dài 0,2 km rồi chạy trên cao 0,8 km để vào nhà ga số 11. Sau đó, chạy qua đoạn đường nối dài gần 1 km để vào khu depot ở quận 12.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa có ý kiến trả lời Văn bản 3245/2019 của UBND TPHCM về đề nghị thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn điều chỉnh của dự án xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 TPHCM, tuyến Bến Thành-Tham Lương.
Theo đó, về nguồn vốn nước ngoài, dự án có cơ sở thu xếp đủ nguồn vốn nước ngoài để thực hiện theo tổng mức đầu tư điều chỉnh dự kiến thể hiện qua cam kết của các nhà tài trợ ADB, KfW, EIB.
Về vốn đối ứng, giai đoạn 2016-2020 UBND TPHCM đã bố trí 4.314,626 tỉ đồng cho dự án và còn thiếu so với số liệu trong báo cáo thẩm định là 389,556 tỉ đồng. Bên cạnh đó, Bộ KH&ĐT còn nêu những tồn tại của dự án cần giải quyết như sau: Dự án có khả năng bố trí vốn nước ngoài cấp phát từ ngân sách trung ương đề nghị UBND TPHCM trong quá trình thẩm định làm rõ cơ sở pháp lý, căn cứ xác định giá trị phần vốn vay nước ngoài cấp phát từ ngân hàng trung ương và giá trị phần vốn vay lại.
Từ đó làm cơ sở đề xuất bố trí từ ngân sách trung ương cho dự án giai đoạn 2021-2025. Đối với nguồn vốn vay EIB, đề nghị TPHCM nghiên cứu kỹ các điều kiện của Hiệp định vay nguồn vốn EIB và cân nhắc làm thủ tục hủy phần vốn không sử dụng. Về hạn mức dư nợ, UBND TPHCM cần dự kiến mức dư nợ từng năm giai đoạn 2021-2025 đảm bảo dư nợ trong hạn mức cho phép.
Về nguồn vốn đối ứng, TPHCM cần đảm bảo bố trí đủ vốn đối ứng từ nguồn ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện dự án theo tiến độ điều chỉnh.
Trước đó, Bộ Tài chính đã cho ý kiến về nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, trong đó Bộ đề cập đến khả năng thu xếp vốn nước ngoài và bố trí vốn trong nước. Đối với nguồn vốn EIB, Bộ Tài chính đề nghị UBND TPHCM nghiên cứu kỹ các điều kiện của hiệp định và cân nhắc để làm thủ tục hủy phần vốn vay này, tránh các chi phí phát sinh không cần thiết.
Ngoài ra, với hạn mức vay nợ, Bộ Tài chính đề nghị UBND TPHCM dự kiến mức nợ từng năm 2021-2025 đảm bảo mức nợ trong hạn mức cho phép. Trường hợp mức dư nợ vượt mức cho phép, đề nghị TP giãn tiến độ giải ngân của nguồn vốn vay nước ngoài tương ứng.