Chia sẻ với Trí Thức Trẻ, ông Dũng kể lại: "Năm 2019, tôi đi một hội chợ thực phẩm, khu của Việt Nam rất bé, nằm trong một tòa nhà chung với các quốc gia khác. Khi tôi sang khu trưng bày của Thái Lan, suy nghĩ đầu tiên tôi có là: "Họ làm nhiều và đẹp thế này, mình làm có lẽ phí công". Làm làm gì khi họ không chỉ có sản phẩm của họ, mà còn có cả sản phẩm Việt Nam, từ gia vị, nước mắm, nước tương, tương ớt… thậm chí ghi tiếng Việt hẳn hoi? Phở, bún, mì, cháo có đủ, không thiếu thứ gì! Tôi thấy ngợp".
Tôi rời Việt Nam, đi du học Ba Lan từ năm 19 tuổi. Trong 30 năm sống ở nước ngoài, tôi đã nhiều lần đi quãng đường hàng trăm cây số, tìm đến cửa hàng của người Việt, mua gia vị Việt. Tất nhiên, siêu thị thì cũng có những gia vị gần giống thế, nhưng không phải hàng Việt, chủ yếu là hàng Thái, hàng Nhật. Từ ngày ấy, tôi đã có mong muốn một ngày nào đó được nhìn thấy hàng Việt bày trên kệ các siêu thị ở châu Âu.
Thời điểm đó thì mong muốn chỉ dừng lại ở mong muốn thôi. Chứ thực ra trước đây khi ở Ba Lan, tôi khởi nghiệp với mì gói, và có thể nói là cũng thành công, khi là người đầu tiên đưa mì Việt Nam ra nước ngoài. Tôi cũng tự hào về điều đó. Mì Việt Nam ở các nước Đông Âu chiếm ưu thế trước mì Thái Lan, chiếm nhiều vị trí trên kệ và ở Ba Lan tôi thắng hoàn toàn.
Tất nhiên đó là câu chuyện của tuổi trẻ, giờ thì tôi đã về Việt Nam khởi nghiệp lần nữa. Nhiều người hỏi vì sao tôi không quay lại làm mì ăn liền nữa. Cũng có người cho rằng, tôi đã từng vấp ngã và đau với mì gói quá nên không muốn làm lại. Điều đó không đúng đâu!
Tôi muốn làm sản phẩm mình thích và không cần đầu tư quá nhiều vốn. Nếu muốn làm mảng mì ăn liền thì phải đầu tư nhiều vốn, vì đối thủ cạnh tranh rất lớn. Tôi giờ chỉ muốn làm thứ vừa sức, làm từ từ, không vội. Quan điểm của tôi khi khởi nghiệp là không lao vào những mảng phát triển đã quá lớn quá làm gì. Vì thế lĩnh vực đặc sản vùng miền với tôi là phù hợp vì chưa có đối thủ nào cạnh tranh lớn trong nước cả.
Với ngành thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm xuất khẩu, Thái Lan là đối thủ lớn của chúng ta. Gia vị Thái, sản phẩm Thái rất phong phú. Họ đã xuất khẩu từ bao lâu nay, công nghiệp của họ phát triển hơn chúng ta nhiều. Đi khắp các nước Đông Âu, Tây Âu, Mỹ, Nhật… bạn sẽ dễ thấy hàng Thái chiếm đa số trong lĩnh vực gia vị và thực phẩm Á.
Có lần, tôi đi một hội chợ thực phẩm, khu của Việt Nam rất bé, nằm trong một tòa nhà chung với các quốc gia khác. Khi tôi sang tòa trưng bày của Thái Lan, suy nghĩ đầu tiên tôi có là: "Họ làm nhiều và đẹp thế này, mình làm có lẽ phí công". Làm làm gì khi họ không chỉ có sản phẩm của họ, mà còn có cả sản phẩm Việt Nam, từ gia vị, nước mắm, nước tương, tương ớt… thậm chí ghi tiếng Việt hẳn hoi? Phở, bún, mì, cháo có đủ, không thiếu thứ gì! Tôi thấy ngợp.
Nhưng rồi, tĩnh tâm lại, tôi nghĩ rằng, Việt Nam có nhiều đặc sản vùng miền, mà Thái Lan không có, đặc sản của Việt Nam vẫn có cách để cạnh tranh được. Coi họ là đối thủ thì chưa đủ, phải nhìn họ để mà học hỏi, để phát triển, và có thể sẽ biến họ trở thành đối tác nữa.
Việt Nam, mỗi vùng miền có một đặc thù khí hậu, nên có rất nhiều nguyên liệu để sản xuất, cho ra nhiều loại gia vị đặc biệt. Dh Foods giờ có tới 150 sản phẩm, mà cũng mới chỉ là một phần rất nhỏ trong bản đồ gia vị Việt Nam.
Mặt khác, ẩm thực Việt Nam cũng có sự giao thoa của nhiều nền văn hóa: văn hóa Việt Nam, văn hóa Chàm, văn hóa Khmer, văn hóa Pháp, văn hóa Trung Quốc và thậm chí có cả văn hóa Ấn Độ. Vì thế, gia vị Việt phù hợp với nhiều quốc gia khác nhau, mỗi nền văn hóa sẽ chọn cho mình sản phẩm phù hợp với họ. Ví dụ như sản phẩm cà ri, có sự kết hợp của gia vị Việt Nam và gia vị ấn độ, chứ không hoàn toàn là của Ấn Độ. Hay các loại mắm, cũng có sự kết hợp giống như của người Chàm, người Khmer.
Chúng ta có nhiều lợi thế, nhưng vì sao từ bao thập kỷ nay, hàng Việt ra thế giới vẫn thường thua trước người Thái?
Tôi từng nhập hàng Thái rồi và biết được rằng, người Thái, trong kinh doanh rất trung thực, chào hàng là chào đúng, không nâng hạ giá. Hàng hóa của họ, dịch vụ của họ cũng chỉn chu. Họ gửi mẫu, đón khách đến tham quan nhà máy, đều làm tốt.
Sản phẩm của Việt Nam, theo tôi đánh giá là có nhiều loại ngon hơn của Thái, nhưng độ chỉn chu và dịch vụ thì chưa bằng. Và tôi cũng thấy rằng, mình phải học họ nhiều, cố gắng nhiều. Chúng ta chưa cố gắng làm tốt nhất có thể. Khi khách hàng góp ý, nhiều doanh nghiệp Việt không muốn chỉnh, vì chỉnh sửa đâu phải đơn giản, tốn tiền mà, tốn thời gian nữa. Thời tôi mới về nước, còn làm việc trong một tập đoàn lớn của Việt Nam, tôi thấy gửi mẫu cho khách hàng lại còn phải tính tiền (cười).
Mục tiêu của tôi là làm tốt nhất có thể, liên tục cải tiến về bao bì, chất lượng, cố gắng làm tốt nhất có thể, thành công sẽ đến một ngày nào đó. Quan điểm của tôi là đi chậm và chắc. Con đường tôi đi đúng sẽ được chứng minh bằng kết quả kinh doanh. Tôi tin là sản phẩm tốt, dịch vụ tốt, về dài hạn nhất định sẽ mang lại kết quả tốt.
Covid-19 không phải khủng hoảng đầu tiên mà tôi gặp phải. Tôi đã trải qua nhiều cuộc khủng hoảng mang tính toàn cầu, vào những năm 1997, hay 2008. Nhưng lúc đó tôi còn trẻ, công ty cũng phát triển rất tốt. Giờ tiền không phải thế mạnh của tôi. Tôi cũng không có nhiều sức khỏe, để làm việc 16 tiếng một ngày được nữa. Cái tôi có là kinh nghiệm, tôi kiên trì và không nóng vội.
Cũng như tất cả các doanh nghiệp khác, khủng hoảng Covid-19 làm chúng tôi gặp khó cả về nguyên liệu, công nhân, tuyển dụng, chi phí tăng đều khó. Nhưng tôi vẫn nói với nhân viên, rằng khó khăn đấy, nhưng chúng ta vẫn may mắn hơn rất nhiều công ty khác, phải lấy đó làm mừng.
Covid-19 làm xu hướng tiêu dùng thay đổi, người ta sẽ ăn ở nhà nhiều hơn, bớt hàng quán. Có lẽ chưa bao giờ, người Hà Nội, người TP. HCM muốn ăn một bát phở bò lại khó đến thế. Ẩm thực gia đình đã lên ngôi, và xu hướng đó ngay cả đến ngày nay cũng vẫn tồn tại, không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới. Đúng thời điểm, Dh Foods đem đến gia vị sạch, không màu tổng hợp, không chất bảo quản nhân tạo, lại tiện dụng, để người không biết nấu cũng có thể nấu, cũng có thể coi đó là cơ hội.
Tôi cảm thấy may mắn với cơ hội ấy, còn khó khăn thì phải cố gắng vượt qua thôi.
Trong khủng hoảng, quan trọng nhất với chúng tôi là đảm bảo những đơn hàng đã đặt, để giữ được khách hàng, chứ không phải là lợi nhuận cao nhất. Khi thời điểm dịch khó khăn nhất qua đi Dh Foods được rất nhiều người biết đến. Chúng tôi cung cấp được hàng tốt, ổn định được mức giá. Nếu chúng tôi nói rằng "vì dịch, giá cả lên, chi phí tăng, thôi đợi hết dịch mới sản xuất", thì sẽ mất rất nhiều cơ hội.
Trong khủng hoảng, đừng hy vọng mọi thứ sẽ qua trong 1-2 tháng, rồi trở về như cũ. Tốt nhất khi gặp khủng hoảng, cần cùng nhau ngồi lại, nhìn lại để tìm ra phương án dài hạn, thay đổi nhanh và quyết liệt. Năm nay, chúng tôi đã làm được điều đó và Dh Foods vượt qua khủng hoảng khá nhẹ nhàng.
Tuổi tôi giờ bình tĩnh hơn nhiều trước khủng hoảng. Cùng lắm thì phát triển chậm hơn một chút, không mạo hiểm nữa, chờ cơ hội. Tôi đã sẵn sàng cho khủng hoảng kéo dài 1-2 năm thậm chí lâu hơn, không vội. Tuổi trẻ thì thường nóng vội. Sức trẻ có thể vượt qua khủng hoảng một lần nhưng lần sau nếu vẫn nóng vội, vẫn sốt ruột thì sẽ vấp.
Tôi đã trải qua nhiều biến cố, và cũng đã thất bại, không chỉ một lần, và tôi cũng đã chia sẻ với các bạn. Vì tự mãn, tôi từng đầu tư rất lớn, rồi vướng ngay khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Vì nóng giận, tôi từng "chia tay" một đối tác cung cấp sản phẩm phân khúc trung cao, khiến công ty từ thịnh vượng rơi vào trạng thái đi xuống rất nhanh chóng.
Trải qua tất cả những thất bại đó, với những biến cố hiện tại, không chỉ là Covid-19, thì cách đối diện của tôi cũng khác trước rất nhiều.
Câu chuyện với nhà cung cấp là một trong số đó, đây là chuyện cả từ khi ở Ba Lan, đến tận giờ tôi vẫn hay gặp. Ban đầu, khi công ty tôi còn bé, thì các bạn hợp tác với tôi vẫn vui vẻ, đến khi doanh số lớn rồi thì nhiều bạn lại muốn tự sản xuất, tự làm thương hiệu. Nghĩ rằng, làm ra mà sản phẩm bán chạy vậy thì tự bán chẳng phải tốt hơn là đi gia công? Rồi họ tham gia các lớp học làm giàu, làm thương hiệu.
Họ đã quên mất rằng, mỗi người có một thế mạnh. Tôi mạnh về thương hiệu, tôi làm hệ thống thương hiệu, ai mạnh về sản xuất thì người đó sản xuất. Quan trọng trong kinh doanh là phải biết chia sẻ lợi nhuận, chứ mình không thể được hết.
Một số người cho rằng làm thương hiệu là đơn giản, Tôi nghĩ quan niệm như thế thì chưa đúng đâu, vì làm thương hiệu đâu dễ. Để tung ra được sản phẩm tốt, phải đầu tư thời gian nghiên cứu và dành trọn tâm tình vào sản phẩm đó, không thể đại khái được, đừng ra những sản phẩm mà nghĩ rằng "người tiêu dùng không biết gì đâu".
Làm thương hiệu thì không dễ và cần nhiều thời gian. Nếu muốn tăng doanh số nhanh, bán được nhiều thì bán nguyên liệu là nhanh nhất, bán được số lượng lớn ngay. Rất nhiều người chọn con đường đó. Nếu chọn việc dễ dàng, tôi cũng có thể làm vậy, hoặc tôi đã tiếp tục làm ở công ty cũ – một tập đoàn lớn.
Với tôi, làm ra sản phẩm thì bản thân mình phải thấy thích, khách hàng trong nước ngoài nước cũng phải thích. Tất nhiên việc đó thì không dễ, nhưng tôi muốn thì tôi sẽ làm thôi.
Hiện nay, tuy công ty còn bé, nhưng các quỹ đầu tư cũng đã quan tâm nhiều. Nếu trong tương lai có lựa chọn quỹ đầu tư, hay nhà đầu tư nào đó, thì tôi cũng sẽ chọn người có cùng chí hướng với mình, là làm sản phẩm sạch, có thể lan tỏa đặc sản vùng miền Việt đến người dùng, cả trong và ngoài nước. Đó mới là yếu tố tiên quyết chứ không phải là lợi nhuận lớn nhất. Con đường tôi đi đúng sẽ được chứng minh bằng kết quả kinh doanh.
Khi đi đâu và thấy một loại gia vị mới, tôi cũng tò mò và muốn giới thiệu với nhiều người. Nếu xét về thương mại thì không hẳn có lợi, nhưng nếu như muối tôm đã mang lại lợi nhuận chính, thì gia vị này, coi như tôi được làm điều mình thích. Như chẩm chéo hay mắc mật, hạt dổi… khi tôi đi chào ở siêu thị, nhiều người còn chẳng biết đó là gì. Hiện nay thì rất nhiều người biết rồi.
Từ năm 2019, chúng tôi cũng đã phát triển các sản phẩm gia vị nấu và ướp hoàn chỉnh, để mọi người có thể dễ dàng chế biến được các món ngon đặc sản của Việt Nam: Phở, Bún Bò, Cari, Bò Kho, món tiềm, món lẩu, các món thịt nướng… Với các khách hàng xuất khẩu, để thêm một sản phẩm, họ phải test rất lâu, thời gian tối thiểu phải một năm. Chúng tôi đã gửi mẫu và có khách chấp nhận và đặt rồi. Tôi nghĩ dòng sản phẩm này trong tương lai có thể chiếm ưu thế, nhưng vì dịch Covid-19 nên khách hàng chưa triển khai được mạnh mẽ thôi.
Tôi muốn làm sao đi đến đâu cũng có sản phẩm Việt Nam trên kệ siêu thị năm châu, cả Mỹ, Úc… Hiện nay chúng tôi đã xuất khẩu khoảng 10 nước, nhưng dần dần sẽ mở rộng ra. Nếu món ăn Việt Nam đã phổ biến trên thế giới thì tôi hy vọng gia vị Việt cũng sẽ ngày càng phổ biến.
Ở thời điểm này, cái tôi muốn là sự tự do, làm ra thương hiệu, và những sản phẩm, khiến bản thân mình tự hào cơ!