Thông tin từ tọa đàm trực tuyến "Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đối phó khủng hoảng" do Endeavor Việt Nam tổ chức mới đây đã chỉ ra một điểm yếu của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực F&B (Ẩm thực và Đồ uống) trong đại dịch Covid-19 .
Mặc dù các nhà hàng, đặc biệt các hệ thống nhà hàng lớn ở các đô thị đang bị ảnh hưởng nặng nề, nhưng điểm yếu của ngành này, theo chuyên gia pháp chế tại tọa đàm, là "chưa thấy tiếng nói".
"Các doanh nghiệp F&B hình như chưa có hiệp hội mạnh trong lĩnh vực này để vận động chính sách. Qua đây tôi cũng muốn nói, các ngành hàng để đảm bảo sự phát triển trong lĩnh vực của mình phải liên kết lại và cần tổ chức bài bản".
"Một số ngành hàng hiện nay đang bị ảnh hưởng rất lớn như dệt may, da giày, chế biến thủy sản, hay ngay cả bất động sản… vận động chính sách rất tốt. Nếu ngành F&B đang bị ảnh hưởng, các doanh nghiệp F&B lớn nên liên kết nhau lại, đưa ra kết hoạch vận động chính sách bài bản hơn. Đây cũng là nhóm cần lưu ý trong thời gian tới", vị chuyên gia này gợi ý.
Một ví dụ dễ thấy và cũng là tin mừng cho các doanh nghiệp bất động sản, là các doanh nghiệp ngành này được bổ sung vào nhóm được hỗ trợ giãn nộp thuế và tiền thuê đất theo Nghị định 41/2020/NĐ-CP về gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất.
Ông Mai Trường Giang - CEO Otoké Chicken sở hữu hơn 30 chuỗi nhà hàng gà rán, bánh ngọt nhân kem tươi, thừa nhận việc chưa có một hiệp hội đứng ra bảo vệ quyền lợi là "nỗi đau chung của những anh em làm trong lĩnh vực F&B".
Chuyên gia từ tọa đàm nhận định: Một doanh nghiệp lên tiếng thì đó chỉ là tiếng nói vì lợi ích của một doanh nghiệp. Nhưng một hiệp hội lên tiếng thì đó là tiếng nói của cả một ngành hàng, và sẽ có ảnh hưởng lớn hơn định tới Chính phủ, bộ ngành, các cơ quan ngôn luận.
"Các ngành hàng nên liên kết với nhau. Phải nói rằng các doanh nghiệp nước ngoài liên kết rất tốt và họ vận động chính sách rất bài bản, mặc dù các hiệp hội doanh nghiệp của các nước chỉ có số lượng doanh nghiệp ít, ảnh hưởng đối với ngành hàng cũng rất khiêm tốn, nhưng họ hầu như đều có hiệp hội doanh nghiệp".
"Tiếng nói của các hiệp hội doanh nghiệp trong lúc này rất quan trọng", ông nói thêm.
Chia sẻ với Trí thức trẻ, ông Mai Trường Giang cho biết: "Chúng tôi đang cố gắng ngay dịp này, kêu gọi những doanh nghiệp làm F&B, đặc biệt các doanh nghiệp chuỗi lớn cùng kiến nghị lên Chính phủ để thành lập Hiệp hội Doanh nghiệp ăn uống, qua đó gửi tâm tư lên Chính phủ nhanh hơn và hiệu quả hơn. Hiện ngành F&B không có hiệp hội chính thức, chỉ gồm các nhóm hoạt động cộng đồng".
Ông Giang cũng đề xuất Nghị định 41 /2020/NĐ-CP nên bổ sung việc giảm 50% tiền thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế thu nhập doanh nghiệp cộng với thuế thu nhập cá nhân của người lao động.
Chuyên gia pháp chế tại tọa đàm do Endeavor Vietnam tổ chức cho biết, quyết định giãn, hoãn nộp thuế thuộc thẩm quyền quyết định của Chính phủ, nhưng miễn hay giảm thuế thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
Tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ người lao động, bảo đảm an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh phòng chống dịch sáng 10/4, Bộ Tài chính cũng đề xuất Chính phủ để trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 5 tới quyết định thực hiện chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ ngay từ 1/7/2020 (theo lộ trình ban đầu thì dự kiến áp dụng từ 1/1/2021).
Theo đó, dự kiến áp dụng thuế suất 15 - 17% tùy thuộc vào quy mô doanh thu và số lượng lao động của doanh nghiệp, đồng thời cho phép miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 2 năm liên tục kể từ khi có thu nhập chịu thuế đối với doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ được thành lập mới từ hộ kinh doanh.