Phúc Khê tự có từ thế kỷ thứ XIII. Tên Phúc Khê tự có nghĩa là dòng suối phúc đức. Chùa là nơi sinh hoạt tâm linh của 3 làng: Đông, Sấu, Tháp nên chùa còn có tên là Ba Chạ (chạ ngày xưa là làng).
Nhà văn Đoàn Ngọc Hà cho biết chùa Ba Chạ cũ đẹp lắm và cổ kính, mái thấp, cong như con rùa, với tay là tới. Chùa Ba Chạ có những cột to đến cả vòng tay người ôm không hết, cửa bức bàn, toàn bộ gỗ đều là gỗ lim.
Phúc Khê tự - nơi diễn ra tục “cướp” lão trước đây giờ đã được xây dựng lại.
Trước đây, vào đêm rằm tháng 2 âm lịch ở chùa diễn ra một sinh hoạt văn hóa hết sức độc đáo-tục cướp lão. Theo đó, trước ngày rằm tháng 2 dân của 3 làng chọn ra một cụ tiên chỉ cao tuổi, gia đình phúc đức, thịnh vượng con cái đề huề.
Tục cướp lão diễn ra vào buổi tối. Trước đó, 3 làng rước kiệu ra chùa làm thủ tục giao hiếu. Khi rước kiệu ra đến cổng chùa các làng quỳ xuống vái chào nhau rồi rước kiệu vào chùa Ba Chạ. Sau đó, làng nào có cụ tiên chỉ được chọn trở về đem võng rước cụ ra chùa. Tại đây dân làng sẽ tổ chức tế lễ các ông Lộc, Thọ, cầu mong các quan của nhà trời ban lộc thọ cho nhân dân.
Sau khi tế lễ xong, đúng 12 giờ đêm đèn sẽ được tắt hết. 3 làng đã bố trí các trai đinh từ trước xông vào “cướp”, bế cụ đi. Những trai đinh phải nhanh, khỏe, khéo léo để “cướp” được cụ nhưng không làm ảnh hưởng đến sức khỏe cụ. Sau khi “cướp” được cụ rồi phải nhanh chóng đưa cụ về làng mình kẻo làng khác đuổi theo “cướp” lại.
Người dân quan niệm làng nào “cướp” được cụ về năm mới sẽ làm ăn thịnh vượng, phát đạt, mọi việc hanh thông, phúc cao dày. Càng nhiều năm “cướp” được lão thì làng càng thịnh vượng bấy nhiêu.
Khi các trai đinh xông vào “cướp” lão dân làng cũng xông vào xé một mảnh nhỏ áo, quần, khăn trên người cụ để lấy khước bởi người ta quan niệm cụ được ông Lộc, Thọ ban phước. “Cướp” được ít đồ nào của cụ chính là xin được phước từ ông Lộc, Thọ nhà trời.
Khi các làng mang được cụ về, cụ mệt, quần áo rách hết nhưng rất vui. Cụ và gia đình cụ đều tự hào vì đã được chọn để ban phúc cho dân làng. Ngay sau khi tục “cướp” lão kết thúc là diễn ra hội làng.
Tục “cướp” lão đề cao tuổi thọ, thiên chức, đề cao cuộc sống bình yên, đề cao con người, phẩm giá, đức hạnh. Ngày nay tục “cướp” lão không còn được duy trì. Phúc Khê tự cũng đã được xây dựng mới lại trên nền cũ bởi chùa cũ đã quá xuống cấp.
Những người già trong làng thì vẫn nhớ tục cũ, nhớ về những đêm vui đi “cướp” lão và kể cho con cháu nghe. Dù tục “cướp” lão không còn nhưng nếp trọng người cao tuổi ở vùng quê này cũng vẫn được giữ gìn, là một nét đẹp văn hóa trong cuộc sống mới hôm nay.