Chậm di dời bệnh viện, trường đại học
Đánh giá của Sở Quy hoạch Kiến trúc (QHKT) Hà Nội cho biết, các bệnh viện, cơ sở y tế trong khu vực nội thành cơ bản không còn quỹ đất để mở rộng, tầng cao bị hạn chế. Việc thực hiện di dời các cơ sở y tế ô nhiễm tại khu vực nội thành theo định hướng Quy hoạch số 1259 và Quyết định 130 của Thủ tướng còn chậm và chưa đồng bộ, do có nhiều vướng mắc về cơ chế chính sách.
Do đó, việc kiểm soát quỹ đất sau khi di dời để xây dựng các công trình hạ tầng xã hội (HTXH), hạ tầng kỹ thuật (HTKT) còn thiếu, gặp nhiều khó khăn, chưa thực hiện được. Không những không di dời được mà ngược lại nhiều bệnh viện, cơ sở y tế tuyến T.Ư ngày càng phình to dẫn đến gây áp lực, quá tải về hệ thống hạ tầng giao thông, HTKT, HTXH.
Với hệ thống giáo dục đào tạo đại học, cao đẳng, theo đánh giá của Sở QHKT Hà Nội, sau gần 10 năm triển khai quy hoạch chung 1259 và hơn 6 năm triển khai Quyết định 130 của Thủ tướng, việc điều chỉnh phân bố mạng lưới các trường đại học, cao đẳng chưa đạt yêu cầu; chưa hình thành đô thị đại học tại Hoà Lạc do các trường đại học chưa di dời về đây. Việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu đô thị đại học, quần thể các trường đại học đồng bộ, hiện đại cả về kiến trúc lẫn hạ tầng tại khu vực các huyện, thị xã: Gia Lâm, Sóc Sơn, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên, Chúc Sơn vẫn chưa được triển khai.
Đô thị vệ tinh: Giậm chân tại chỗ vì thiếu chính sách
5 đô thị vệ tinh có diện tích tự nhiên khoảng 439km2, tổng diện tích đất xây dựng đô thị tối đa khoảng 35.200ha; dân số năm 2030: 1.377 nghìn người, đến năm 2050: 1.787 nghìn người. Gồm các đô thị với chức năng riêng: Hoà Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên, Sóc Sơn ...
Quy hoạch nêu ra rất rõ nhưng thực tế hạ tầng kỹ thuật và xã hội chậm được triển khai; hạ tầng khung kết nối từ đô thị trung tâm ra bên ngoài chưa được đầu tư đúng mức và đồng bộ. Các yếu tố cạnh tranh chưa đủ sức hấp dẫn, thu hút dân cư và lao động trẻ tới sinh sống và làm việc. Cơ chế chính sách huy động nguồn lực chưa thực sự hấp dẫn, chưa thu hút được các hoạt động kinh tế.
Định hướng Quy hoạch chung 1259 : Hành lang xanh chiếm 70% đất tự nhiên gồm toàn bộ khu vực nông thôn Hà Nội. Hành lang xanh chạy dọc sông Đáy, sông Tích, vùng núi Ba Vì và Hương Tích, theo đường vành đai 4 vượt qua sông Hồng kết nối với khu vực xanh quanh đền Sóc. Hành lang xanh có ý nghĩa phân tách và giới hạn ngưỡng phát triển của đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh.
Tuy nhiên, theo đánh giá của cơ quan chức năng, quá trình hình thành hành lang xanh theo đúng quy hoạch còn chậm. Tình trạng chuyển đổi đất nông nghiệp sang các loại đất khác vẫn chưa được kiểm soát; Việc phát triển các dự án hạ tầng kinh tế - xã hội vẫn còn hạn chế; việc giữ gìn các khu vực bảo tồn tự nhiên, cảnh quan đặc thù chưa kiểm soát được chặt chẽ.
Mong nhiều cơ quan di dời ra ngoại thành sớm bàn giao đất
Một số chuyên gia kiến nghị: Trong quá trình triển khai Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung 1259 cần phát triển hệ thống y tế trong toàn vùng góp phần hạn chế sự quá tải đối với hệ thống y tế trong trung tâm thành phố.
Thực hiện quyết liệt Quyết định 130 của Thủ tướng Chính phủ và cần có sự chỉ đạo thống nhất cũng như cơ chế chính sách đối với các khu đất sau khi di dời. Sớm hoàn chỉnh các danh mục, tiêu chí, lộ trình, cơ chế và biện pháp di dời; đồng thời có chế tài, quy định bắt buộc việc bàn giao lại quỹ đất sau khi di dời ra ngoài nội thành để thành phố ưu tiên xây dựng, phát triển các công trình công cộng, đặc biệt là tại các khu vực nội đô lịch sử, khu vực có hạ tầng đô thị quá tải.
Với đề xuất quy hoạch 3 huyện phía Bắc Hà Nội là Mê Linh, Sóc Sơn, Đông Anh lên thành phố, KTS Ngô Trung Hải, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng: Chưa thấy 3 huyện ở phía Bắc có lợi thế nổi bật.
Nhằm thúc đẩy nhanh Quy hoạch chung, Hà Nội cho biết dự kiến sẽ kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành liên quan: Chỉ đạo sớm nghiên cứu, xây dựng bộ tiêu chuẩn áp dụng thống nhất cho hoạt động quy hoạch trên phạm vi cả nước; Quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành đẩy nhanh việc di dời trụ sở bộ ngành, cơ quan T.Ư, cơ sở giáo dục, cơ sở y tế đóng trên địa bàn nội đô thành phố, bàn giao quỹ đất sau khi di dời cho thành phố để quy hoạch các công trình HTKT, HTXH phục vụ tái thiết khu vực đô thị trung tâm.
Góp ý về giải pháp, KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Hà Nội cho rằng, những vấn đề chưa triển khai được hầu hết do thiếu chính sách phù hợp, đủ mạnh. Điển hình là phát triển đô thị vệ tinh, cải tạo chung cư cũ, di dời các trường đại học…