"Vòng kim cô"
Nghị định số 20/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý thuế đối với các công ty có giao dịch liên kết có hiệu lực thi hành từ 1/5/2017 quy định, tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế (Khoản 3, Điều 8).
Quy định này được xem là chiếc "vòng kim cô" để ngăn chặn tình trạng chuyển giá, trốn thuế tại các công ty đa quốc gia. Tuy nhiên, thực tiễn cũng cho thấy không ít doanh nghiệp trong nước đang bị vạ lây khi phải gánh thêm số thuế không nhỏ.
Đơn cử năm 2018, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) đã kiến nghị với Bộ Tài chính rằng, quy định này khiến số thuế thu nhập doanh nghiệp của các công ty thành viên phải nộp tăng rất nhiều, chẳng hạn như EVN GENCO 1 nộp thuế tăng khoảng 339 tỷ đồng; EVN GENCO 3 tăng khoảng 212 tỷ đồng... Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tình hình tài chính của EVN và các công ty thành viên, gây khó khăn trong cân đối vốn đầu tư của doanh nghiệp.
TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng, quy định này chưa chưa tính đến các ngành có đặc thù là đòi hỏi vốn đầu tư lớn nên doanh nghiệp phải vay nhiều như điện lực, hạ tầng giao thông, bất động sản… Quy định cũng chưa phân biệt đối tượng ở đây là công ty mẹ/tập đoàn hay công ty con, riêng lẻ; cũng không nói rõ chi phí lãi vay ở đây là chỉ áp dụng trong giao dịch vay liên kết hay áp dụng đối với tất cả các khoản vay nên đang được hiểu là "tất cả".
Thậm chí nhiều chuyên gia còn cho rằng, quy định này vừa trái luật, vừa không đủ cơ sở thực tiễn. Bởi vì, nhiều doanh nghiệp trong nước đang phải chi trả chi phí lãi vay cao hơn nhiều mức trần nói trên, nên quy định này vi phạm quyền huy động vốn từ mọi nguồn một cách hợp pháp để phục vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp…
Nên sửa thế nào?
Theo TS. Võ Trí Thành – nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, với hoàn cảnh doanh nghiệp Việt Nam luôn thiếu vốn và trong điều kiện lãi suất ở Việt Nam luôn ở mức cao, thì không nên khống chế tổng chi phí lãi vay ở mức 20%, thậm chí là 50%, miễn là chi phí thật và hợp lý, hợp lệ cũng cần phải được chấp nhận.
TS. Cấn Văn Lực cũng cho rằng 20% là không có cơ sở thuyết phục và chưa tính đến đặc thù của Việt Nam, do doanh nghiệp Việt Nam luôn phải vay nợ nhiều và thị trường trái phiếu chưa phát triển mạnh như các quốc gia trên thế giới. "Việt Nam nên quy định trần chi phí lãi vay khoảng 28-30% theo khuyến nghị của OECD và hiện nhiều nước đang quy định ở mức 30%", TS. Cấn Văn Lực khuyến nghị.
Phát biểu tại cuộc họp vừa qua của Chính phủ với một số bộ, ngành, doanh nghiệp về việc sửa đổi Nghị định số 20/2017/NĐ-CP, TS.Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI thẳng thắn chỉ ra rằng, quy định như Nghị định 20/2017/NĐ-CP có thể dẫn tới đánh thuế 2 lần trên cùng một giao dịch, thuế chồng lên thuế, làm cản trở việc tiếp cận tăng nguồn vốn cho hoạt động của các tập đoàn; đồng thời cản trở chủ trương phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân, cũng như cản trở đến việc khuyến khích các tập đoàn tư nhân đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, giáo dục, y tế thuộc các lĩnh vực xã hội hóa đầu tư vào các địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.
"Đề nghị bỏ hoặc tạm dừng thi hành khoản 3, Điều 8, Nghị định 20/2017/NĐ-CP để chờ đánh giá tác động, nghiên cứu các kinh nghiệm quốc tế. Việc hạn chế về chi phí lãi vay phải được đưa vào Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và nếu có mức trần thì nên ở mức 30%", TS. Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Trên thực tế, không thể phủ nhận sau hơn 2 năm ban hành, Nghị định 20/2017/NĐ-CP đã đóng góp tích cực trong việc ngăn chặn tình trạng chuyển giá, trốn thuế của khoảng hơn 80% các giao dịch xuyên quốc gia giữa công ty con trong nước với tập đoàn mẹ ở nước ngoài, như trường hợp của Big C, Metro, Coca-Cola… Do đó, một số ý kiến cho rằng không thể bỏ trần chi phí lãi vay, mà chỉ nên xem xét sửa đổi trần chi phí lãi vay cho một số đối tượng doanh nghiệp trong nước.
Tuy nhiên, nếu chỉ nâng trần chi phí lãi vay cho một số đối tượng doanh nghiệp trong nước, sẽ tạo ra tình trạng phân biệt đối xử, không bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Do đó, nới trần chi phí lãi vay nói chung được xem là phương án phù hợp hơn cả.