Ông Nguyễn Thành Kiên, một hộ nuôi tôm ở huyện Đông Hải (Bạc Liêu) cho hay, ông vừa mới xổ một vuông tôm sú, loại 30-40 con/kg. Thu hoạch được hơn 30kg tôm nhưng ông Kiên chỉ thu về chưa được 4 triệu đồng. Tính ra, giá tôm ông Kiên bán chỉ khoảng 135.000 đồng/kg.
Trước đó vài tuần, ông Kiên còn bán được với giá hơn 200.000 đồng/kg với loại tôm cùng kích cỡ.
Giá tôm nguyên liệu giảm thấp
“Thương lái không mặn mà lắm chuyện thu mua tôm, do nhà máy giảm công suất. Công nhân làm tôm trong vùng cũng về quê tránh dịch nhiều lắm”, ông Kiên giải thích.
Tại các vùng nuôi tôm khác ở ĐBSCL như Cà Mau, Kiên Giang, Cần Thơ…, giá tôm nguyên liệu cũng đang ở mức thấp. Nhiều hộ nuôi tôm cho biết, giá tôm thẻ loại 100 con/kg hiện chỉ còn 65.000 - 70.000 đồng/kg, giảm khoảng 20.000 - 25.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái. Mức giá này đã thấp hơn giá thành sản xuất từ 10.000 - 15.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Văn Nhẩm, một hộ nuôi tôm ở huyện Gò Công Đông (tỉnh Tiền Giang) chia sẻ, nghề nuôi tôm không phải ai cũng đạt được mức lợi nhuận như nhau. Tùy vào kinh nghiệm và khả năng nắm bắt, áp dụng kỹ thuật vào quá trình nuôi mà sẽ cho hiệu quả kinh tế khác nhau.
Tuy nhiên, theo ông Nhẩm, với mức giá và tình hình tiêu thụ như hiện nay, rất nhiều hộ nuôi tôm đang phải đối mặt với rủi ro thua lỗ. Nhiều vuông tôm đã thu hoạch nhưng nông dân không dám thả giống vụ mới.
Nếu là tôm thẻ, nuôi ao đất đạt cỡ 100 con/kg thì giá thu mua phải đạt 80.000 đồng/kg nông dân mới có lời. “Với giá thu mua tôm nguyên liệu hiện nay, bà con chưa dám thả vụ mới!”, ông Nhẩm cho biết.
Nhiều hộ nuôi tôm đang đối diện với rủi ro thua lỗ
Ông Trần Hoàng Em - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến Xuất khẩu thủy sản Cà Mau (Casep) cũng thông tin, chỉ trong một thời gian ngắn mà giá tôm đã giảm rất sâu. Hiện người dân sắp bước vào thu hoạch tôm, tuy nhiên giá tôm sú 20 con/kg hiện chỉ còn khoảng 180.000 - 200.000 đồng/kg. Mức giá này đã giảm khoảng 60.000-70.000/kg đồng so với thời điểm trước Tết.
Giá tôm thẻ chân trắng nuôi ao phủ bạt loại 100 con/kg có giá từ 70.000 - 75.000 đồng, giảm 20.000 đồng/kg, nuôi ao đất giá hiện còn 65.000 - 75.000 đồng/kg, giảm khoảng 15.000 đồng/kg.
Hiệp hội Chế biến Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng nhận định, hiện nay, giá tôm, cá tra nguyên liệu đều giảm vì người nuôi sợ rớt giá, thu hoạch sớm. Trong khi đó, một số doanh nghiệp tạm ngừng mua nguyên liệu vì đơn hàng giảm do bị hoãn, hủy hoặc không ký kết được đơn hàng mới.
Các kho lạnh để trữ hàng tồn kho cũng đang trong tình trạng bị đầy hàng tồn và thiếu kho. Nhiều doanh nghiệp tại ĐBSCL phải tìm ra đến các tỉnh miền Trung để thuê kho lạnh, tạm trữ tôm nguyên liệu chưa xuất khẩu được.
Một số doanh nghiệp tạm ngừng mua nguyên liệu vì đơn hàng giảm do bị hoãn, hủy hoặc không ký kết được đơn hàng mới.
Việc tiêu thụ khó khăn đã dẫn đến việc giá thu mua tôm giảm, nhiều hộ nuôi treo ao. “Tình trạng này có thể dẫn đến thiếu nguyên liệu vào cuối năm, khi dịch bệnh hết, nhu cầu tăng lại nếu người nuôi hạn chế hoặc bỏ ao vì không trụ được ở giai đoạn này”, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP nhận định.
Cũng theo VASEP, diễn biến dịch bệnh Covid-19 còn đang rất phức tạp tại các nước trên thế giới. Do vậy, trong vài tháng tới, tình hình xuất khẩu thủy sản chắc chắn tiếp tục bị tác động giảm. Doanh nghiệp chưa thể thoát khỏi tình trạng bị sụt giảm, hoãn, hủy đơn hàng. Cùng với đó là vận tải hàng hóa khó khăn, việc thanh toán cũng không thuận lợi, sẽ có không ít doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp nhỏ, không thể trụ vững vì thiếu vốn để duy trì, để quay vòng kinh doanh.
Xuất khẩu thủy sản tháng 3 giảm gần 20% Theo ước tính, xuất khẩu thủy sản trong tháng 3 đã giảm gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt 549 triệu USD. Nguyên nhân là do dịch Covid 19 lây lan mạnh trên toàn cầu khiến sản xuất và xuất khẩu thủy sản của cả nước bị ảnh hưởng nặng nề. Tính đến hết tháng 3/2020, xuất khẩu thủy sản của cả nước ước đạt trên 1,5 tỷ USD, giảm 14%. Trong đó, xuất khẩu cá tra giảm mạnh nhất với mức giảm 31%, chủ yếu do giảm xuất sang thị trường Trung Quốc từ 2 tháng đầu năm. Xuất khẩu tôm giảm nhẹ 4,3%, trong khi các mặt hàng hải sản cũng giảm sâu. Trong đó, xuất khẩu sang những thị trường lớn bị ảnh hưởng dịch bệnh đều giảm mạnh. EU có mức giảm sâu nhất với 40%, Trung Quốc giảm 25%, Hàn Quốc giảm 24%, Nhật Bản giảm 19%... Xuất khẩu sang Mỹ giảm ít hơn các thị trường khác nhờ sản phẩm thủy sản của Việt Nam vẫn giữ được thị phần tại phân khúc bán lẻ. Trong tuần đầu tháng 3, doanh số bán lẻ thủy sản đóng hộp tại Mỹ tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng thị trường Trung Quốc, theo phản ánh của một số doanh nghiệp thủy sản, thị trường Trung Quốc đã có nhu cầu nhập khẩu trở lại nhưng đơn đặt hàng không nhiều. Hơn nữa, khách hàng Trung Quốc muốn ép giá mặc dù giá chào bán sản phẩm đã thấp hơn so với trước dịch. |