Trong 30 năm qua, ông Hiromichi Akiba, chủ một siêu thị ở thủ đô Tokyo - Nhật Bản, luôn duy trì triết lý kinh doanh "cung cấp cho khách hàng thực phẩm tươi ngon với giá rẻ". Giờ đây, triết lý này đối mặt thử thách khi chi phí đang tăng cao do tình trạng gián đoạn của chuỗi cung ứng, xung đột Nga - Ukraine và tác động của dịch Covid-19.
Doanh nhân 53 tuổi nói trên cho biết ông phải tốn thêm chi phí hằng tháng trong bối cảnh tiền xăng, tiền điện và khí đốt tăng. Chi phí lao động cũng cao hơn do dân số trong độ tuổi lao động của Nhật Bản sụt giảm trong lúc dịch Covid-19 khiến việc duy trì hoạt động bình thường thêm khó khăn.
Giá thực phẩm bán buôn cũng tăng do các chi phí, như logistics, leo thang. Ông Akiba thừa nhận các hộ gia đình đang đau đầu với chi phí thực phẩm tăng trong lúc người tiêu dùng tỏ ra rất nhạy cảm với giá.
Theo trang Nikkei Asia ngày 29-3, chi phí đã tăng trước khi xung đột Nga - Ukraine xảy ra. Giờ đây, sức ép này càng lớn hơn đối với doanh nghiệp và hộ gia đình. Chuyên gia Kenta Goto của Trường ĐH Kansai (Nhật Bản) nhận định chi phí sinh hoạt tăng, cùng với việc các đồng tiền châu Á suy yếu và Mỹ tăng lãi suất có thể kìm hãm kinh tế khu vực. Theo ông Goto, nếu lạm phát tiếp tục tăng và thu nhập thực tế giảm sút, sức mua của châu Á sẽ bị tổn thương.
Tại Singapore, nỗi lo về giá cả leo thang thể hiện rõ trong cuộc khảo sát mới của Ngân hàng Trung ương nước này hồi tháng 2-2022. Khi đó, khoảng 94% chuyên gia kinh tế được hỏi cho rằng lạm phát là rủi ro hàng đầu đối với nền kinh tế, tăng so với mức 56% trong cuộc thăm dò vào tháng 12-2021. Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Singapore Gan Kim Yong cảnh báo tiền điện tăng cao chắc chắn sẽ tác động đến người dân nước này.
Người dân mua sắm tại một siêu thị ở thủ đô Jakarta - Indonesia hôm 27-3Ảnh: Reuters
Trong khi đó, một cuộc khảo sát do Văn phòng Nội các Nhật Bản thực hiện vào tháng rồi cho thấy 92% người được hỏi dự đoán chi phí sinh hoạt sẽ tăng trong năm tới. Chia sẻ nỗi lo này, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio ngày 29-3 ra lệnh nội các soạn thảo gói hỗ trợ mới để giúp giảm tác động của tình trạng giá nhiên liệu và nguyên liệu thô leo thang. Theo Reuters, gói này dự kiến gồm các biện pháp giúp giảm bớt sức ép đang đè nặng lên doanh nghiệp và hộ gia đình.
Còn tại Hàn Quốc, chính phủ thông báo gia hạn giảm thuế nhiên liệu đến cuối tháng 7 năm nay để giảm bớt gánh nặng cho người tiêu dùng. Trong khi đó, Thái Lan vào đầu tháng 3 cho biết sẽ giới hạn giá dầu diesel ở mức 30 baht (khoảng 20.369 đồng)/lít.
Một quốc gia Đông Nam Á khác là Philippines đã chi 3 tỉ peso (khoảng 1.318,14 tỉ đồng) để trợ cấp nhiên liệu cho một số đối tượng trong tháng này. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cũng phê duyệt mức trợ cấp 200 peso cho mỗi gia đình nghèo hằng tháng nhưng sau đó tăng con số này lên 500 peso.
Một số chuyên gia nhận định châu Á chưa đối mặt khủng hoảng nhưng không loại trừ áp lực lạm phát ngày càng gia tăng. Ông Kensuke Tanaka, làm việc cho Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), cảnh báo tình hình có thể thay đổi và có thể có nhiều áp lực hơn.
Trong khi đó, ông Irfan Qureshi, chuyên gia tại Ngân hàng Phát triển Châu Á, nhận xét lạm phát cao và kéo dài ảnh hưởng nặng nề nhất đến người nghèo, do đó có thể khiến tình trạng bất bình đẳng và căng thẳng xã hội thêm nghiêm trọng.
Niềm tin vào kinh tế châu Á
Các nền kinh tế châu Á có vị thế tốt để chống chọi tác động của tình trạng giá năng lượng và hàng hóa tăng mạnh sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Đó là nhận định được Chủ tịch Ngân hàng Standard Chartered (Anh) Jose Vinals đưa ra mới đây, theo tờ South China Morning Post. Theo ông Vinals, ngoài những bất ổn trong ngắn hạn, châu Á vẫn sẽ là khu vực kinh tế năng động nhất thế giới trong trung và dài hạn.
Giá một loạt mặt hàng, trong đó có dầu thô, lúa mì, nhôm..., đã tăng đáng kể sau khi giao tranh diễn ra ở Ukraine. Các nhà đầu tư lo ngại về nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng liên quan cuộc khủng hoảng này và động thái trừng phạt lên hàng trăm nhà tài phiệt lẫn doanh nghiệp Nga. Hàng hóa và năng lượng tăng cao trong bối cảnh nhiều nền kinh tế phương Tây đối mặt lạm phát leo thang khi đang nỗ lực hồi phục từ đại dịch.
Trước cuộc khủng hoảng ở Ukraine, Ngân hàng Standard Chartered dự báo nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 4,4% trong năm nay. Tuy nhiên, ông Vinals cho rằng nếu Nga - Ukraine không đạt thỏa thuận ngừng bắn ngay lập tức, tăng trưởng toàn cầu có thể giảm xuống dưới 3%. Châu Âu sẽ là khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất. Trong khi đó, các khu vực khác trên thế giới, đặc biệt là Mỹ và châu Á, triển vọng tăng trưởng kinh tế có vẻ tích cực hơn.
Xuân Mai