LTS: Chúng tôi xin giới thiệu bài dự thi của tác giả Nguyễn Phạm Hải Dương ở Quảng Nam gửi tới cuộc thi viết về Chất lượng dịch vụ ngân hàng: Từ thực tiễn đến ước mong do Cafef phối hợp với báo Trí thức trẻ tổ chức.
-----------
Tôi còn nhớ vào ngày chớm thu hơn 4 năm về trước, nhận được giấy báo trúng tuyển Đại học, lòng vừa vui vừa buồn, tâm sự ngổn ngang. Ngồi ăn cơm tối, nghe má bảo mai tranh thủ lên thị trấn làm cho một cái thẻ ATM để tiện nhận tiền sinh hoạt phí. Thuở ấy còn ngô nghê lắm, đến nỗi thẻ ATM nó ra làm sao còn chưa hình dung được.
Để kịp thời gian ra Huế nhập học, sáng hôm sau má chở tôi lên thị trấn. Trên chiếc xe đạp cũ kỹ, vượt qua đoạn đường dài gần 10 cây số, đến nơi hai má con thở hổn hển. Vạt áo sau lưng má thấm đẫm mồ hôi, má lấy nón lá vẫy vẫy phía trước mặt, rồi hai má con hồ hởi dắt nhau vào ngân hàng. Cho đến khi cầm được tấm thẻ màu xanh trên tay, lòng mừng như bắt được vàng.
Không như bây giờ, ngày đó cả thị trấn chỉ có mỗi Chi nhánh ngân hàng Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam - Agribank, cho nên dù có muốn lựa chọn ngân hàng khác, người ta cũng chẳng còn cách nào. Như má tôi thường hay nói, ngân hàng nào cũng là ngân hàng, có để chọn đại còn hơn không. Đôi lúc nhớ lại, thấy lời má nói cũng không hoàn toàn là sai.
XEM THÊM TẤT CẢ CÁC BÀI DỰ THI của cuộc thi viết "Chất lượng dịch vụ ngân hàng: Từ thực tiễn tới ước mong" tại đây
Hồi những năm trước, tại thị trấn Đông Phú nơi tôi sinh sống chỉ có 1 chi nhánh ngân hàng Agribank với 1 cây rút tiền duy nhất. Trong khi cây rút tiền Agribank thứ 2 lại nằm cách xa chừng 30 km ở xã Hương An. Quãng đường dài đằng đẵng hơn hàng chục cây số cũng đủ để người đi thấm mệt rồi, chứ chưa nói đến việc phải ngồi chờ làm các thủ tục lằng nhằng phức tạp.
Cho đến ngày ra phố thị học, tôi mới phát hiện ra, dường như những người dân quê như ba má tôi, chẳng có nhiều sự lựa chọn cho ngân hàng mà họ thích. Nếu ở thành phố đầy đủ những loại hình dịch vụ khác nhau, từ Vietcombank, BIDV, Đông Á cho đến VietinBank thì ở quê may ra chỉ lác đác 1 vài chi nhánh nhỏ... Hơn nữa các quầy giao dịch ngân hàng ở thành phố cũng khá gần nhau, người dân có thể thoải mái đến làm việc mà không phải lo lắng về vấn đề thời gian hay quãng đường bao xa. Họ có thể thoải mái suy xét các chất lượng, uy tín, so sánh phí dịch vụ hoặc xem thái độ nhân viên để đi đến quyết định sẽ lựa chọn ngân hàng nào.
Nhưng ở quê thì không như vậy. Những người ở vùng xa xôi hẻo lánh, họ không có quyền tự chọn dịch vụ theo ý thích, theo chất lượng mà họ mong muốn. Chỉ là có gì dùng nấy mà thôi.
Tôi còn nhớ có những ngày nộp học phí cho nhà trường, bất kể mưa gió cũng vậy, má dắt một túi tiền trong túi áo, rồi lóc cóc đạp xe lên ngân hàng để chuyển tiền vào thẻ tôi. Bi ai hơn là trường học tôi lại dùng một thẻ ngân hàng khác, vì vậy không còn cách nào tôi phải rút tiền má gửi rồi chuyển sang một thẻ khác để nộp học phí. Sự bất tiện này không chỉ khiến chi phí giao dịch đội lên rất nhiều, mà còn tạo ra nhiều điều bất tiện nữa. Thấy con gái loay hoay đi rút rồi nộp, má gọi điện than thở, giá như ở quê có thêm một vài ngân hàng nữa thì tốt biết mấy, hai má con sẽ đỡ vất vả hơn.
Ngày tôi ra trường, mang theo bao ước mơ và cả hy vọng đến một miền đất hứa, mang theo cả tấm thẻ Agribank mà má từng làm cho mình. Tấm thẻ như là kỷ niệm, như là một báu vật đã nuôi sống tôi trong quãng đời còn sinh viên, dù là những kỷ niệm không hoàn toàn là vui vẻ.
Ở thành phố, lâu lâu má vẫn hay gọi điện hỏi thăm, rồi kể thêm dạo này trên thị trấn lại mở thêm một phòng giao dịch của ngân hàng Sacombank nữa. Rồi người ta lại mở thêm một vài cây rút tiền ATM Agribank gần cổng bệnh viện. Tôi nghe kể mà ngậm ngùi chua xót, nhớ những ngày má chạy đôn chạy đáo lên ngân hàng gửi tiền, rồi cảnh chờ chực hết lớp người này đến lớp người kia rút tiền.
Nói về nỗi lòng của má, tôi chỉ ao ước một điều rằng quê hương sẽ ngày càng phát triển hơn nữa, để rồi những chi nhánh ngân hàng mới sẽ được mở ra. Như vậy những người dân quê có thể thoải mái lựa chọn dịch vụ ngân hàng mà họ yêu thích và không còn phải "nhắm mắt chọn đại" như lời má nói nữa.