"Lúc này, em chỉ mong chủ nhà giảm được đồng nào, hay đồng ấy chị ạ!", là chia sẻ của Hồng, sinh viên năm 3 của một trường ĐH trên địa bàn Tp.HCM, đang thuê nhà trọ tại Tp.Thủ Đức. Từ hồi nghỉ học vì dịch, Hồng cho biết, tiền phòng, điện nước vẫn phải đóng đủ, dù đã về quê được 2 tháng nay rồi. Hồng cùng 2 người bạn trong phòng vẫn hàng tháng xin tiền gia đình, gom lại gửi chủ trọ tiền thuê. Thậm chí, chưa tới ngày chủ trọ đã gọi nhắc đi nhắc lại mấy lần. "Có khi cô sợ tụi em về quê, không thể đóng tiền trọ nên nhắc nhở nhiều lần", nữ sinh viên này cho biết.
Làm công nhân may, còn chồng làm công nhân công trình, gia đình chị H gần như thất nghiệp 2 tháng nay vì dịch. Chị thuê căn nhà 2 tầng cho cả bố mẹ và gia đình 4 người chị ở tại Tp.Thủ Đức, với giá 5 triệu đồng/tháng. Nhưng hiện tại không có thu nhập nên chị H lo lắng vì không biết lấy tiền đâu đóng trọ hàng tháng, khi mà dịch vẫn diễn biến phức tạp.
Đã 2 lần chị nhắn tin cho chủ trọ xin giảm tiền thuê nhưng ban đầu chủ nhà trọ giảm được 500 ngàn đồng/tháng, còn tháng này chị nhắn chủ trọ không thấy phản hồi. "Chắc họ không giảm nữa nên mới không nhắn lại. Dịch này chỉ mong họ hỗ trợ giảm cho thêm ít đồng trọ để bớt gánh nặng. Dịch nhưng chi tiêu tiền ăn uống cho gia đình tổng cộng 6 người cũng oải lắm, lại thêm khoản tiền trọ nên lo quá", chị H cho hay.
Đó là một trong số rất nhiều trường hợp đang lo lắng gánh nặng tiền nhà trọ hàng tháng. Một người thuê mặt bằng tại Q.Bình Thanh quyết định mất cọc trả lại mặt bằng cho chủ vì "năm lần bảy lượt" làm đơn xin giảm tiền thuê mặt bằng nhưng không được. Bất lực và vì không thể gồng gánh chi phí, người này quyết định trả lại mặt bằng chấp nhận mất gần 50 triệu tiền đặt cọc trước đó (trước khi vào thuê sẽ cọc dư 1 tháng cho chủ nhà-PV).
Còn Huyền, mở 2 mặt bằng buôn bán hoa tươi tại trung tâm Tp.HCM cũng đang như "ngồi trên đống lửa" vì không biết khi nào hết dịch để kinh doanh trở lại, trong khi gần 2 tháng này, phải vay chỗ này, đắp chỗ kia để trả tiền thuê mặt bằng. Dù được chủ mặt bằng giảm chút đỉnh nhưng với chi phí mỗi mặt bằng hơn 40 triệu đồng/tháng, gần như cô gái trẻ này đã quá sức. Chia sẻ, Huyền cho biết, em cũng đang tính đến việc trả lại mặt bằng, hoặc sang nhượng quán cho ai có khả năng. "Mặc dù là tâm huyết nhưng gánh tiền mặt bằng oải quá chị ơi", Huyền giãi bày.
Hay, một anh tài xế công nghệ, vợ làm xưởng may. 2 vợ chồng cặm cụi ngày đêm nuôi được đứa con học lớp 7. Dịch tới, công ty đóng cửa, chị vợ thất nghiệp, anh chồng thì ráng lay lắt được 1-2 tháng đầu rồi cũng thất nghiệp từ tháng 5 khi TP cấm grabcar. Từ đó tới nay, tiền trọ mỗi tháng 4 triệu, điện 4k/ số, nước 18k/khối… gần như vợ chồng họ đuối sức vì gồng gánh. Thế nhưng, theo họ chia sẻ, tiền trọ vẫn chưa được giảm đồng nào, tháng nào cũng đóng đủ.
Có lẽ câu chuyện miễn, giảm tiền thuê nhà trọ trong dịch Covid-19 vẫn rất được quan tâm trong bối cảnh dịch bệnh. Những ngày qua, có rất nhiều chủ nhà trọ trên địa bàn Tp.HCM, Bình Dương…giảm, miễn tiền nhà trọ cho công nhân, sinh viên; họ còn ôm từng bó rau, thùng mì để cứu đói cho những người thuê trọ. Thế nhưng, có lẽ những ông/bà chủ trọ như thế này không quá nhiều. Vẫn có rất nhiều chủ nhà trọ không có "động thái" nào trong mùa dịch.
Có lẽ, họ cũng phải thuê lại nhà rồi kinhh doanh cho thuê lại nên chịu nhiều áp lực như lãi suất ngân hàng, hay họ cũng phải nuôi cả gia đình nhờ vào đồng cho thuê trọ….. nên cũng khó lòng giảm giá thuê cho khách trong đại dịch. Thế nhưng, nếu nhìn khách quan, thì có lẽ đó cũng chỉ là thiểu số, đa số những người có nhà cho thuê ở Tp.HCM đều là những người khá giả. Về phía người đi thuê, họ ngày đêm mong mỏi được chủ trọ hỗ trợ tiền thuê, để vượt qua khó khăn, có thể tiếp tục được ở lại TP làm việc, được kinh doanh theo đam mê, sở thích mà họ đã chọn trước đó.
"Em không phải nói quá, nhưng đúng là có những cô chú nhà trọ quá đáng chị ạ. Khó khăn thì tụi em mới xin giảm, chứ bình thường kinh doanh được, ai lại đi xin. Nhưng họ lại nghĩ rằng, tụi em có tiền mà không đóng, để tiền dự trữ ăn mùa dịch, nên dù nhiều lần viết thư email, nhắn tin điện thoại xin giảm….họ vẫn làm ngơ. Thực ra, tụi em chỉ cần chủ nhà cho giãn ra 1-2 tháng, đóng sau cũng được, nhưng cũng không được trả lời, nên uất ức lắm", Nguyễn Thị M, đang thuê mặt bằng tại Tp.Thủ Đức bộc bạch.
Ghi nhận cho thấy, dịch Covid-19 đã khiến phân khúc nhà cho thuê, mặt bằng cho thuê gần như "ngủ đông". Cả người đi thuê và người cho thuê đều bị thiệt hại do dịch. Có những chủ nhà không thể cho thuê được, còn những chủ nhà còn khách thuê thì cũng lo lắng vì nhỡ bất chợt người thuê trả phòng/nhà/mặt bằng. Thế nhưng, động thái giảm hay miễn tiền thuê nhà gần như cũng chỉ "đếm trên đầu ngón tay" ở thời điểm hiện tại.
Nhiều chủ nhà vẫn giữ nguyên tiền thuê, không giảm dù chỉ một đồng đang gây ra những bức xúc cho người đi thuê. Có rất nhiều người trong số họ mong mỏi được chủ nhà giảm khoảng 20-30% hoặc giãn việc trả phòng ra 1-3 tháng để bớt gánh nặng, nhưng gần như chủ nhà không đáp trả nguyện vọng.
Mới đây, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân đề xuất, để hạn chế khó khăn, giúp người dân yên tâm ở lại cách ly phòng dịch Covid-19, đề nghị kêu gọi, vận động người cho thuê nhà miễn tiền trong thời gian phong tỏa phòng dịch.
"Để người dân yên tâm ở lại nơi cư trú trong thời gian thực hiện giãn cách này, cần phải có hành động thiết thực ngay. Qua đó, không để người dân phải lựa chọn giải pháp rủi ro như đánh cược với tính mạng, sức khỏe bản thân và gia đình khi phải hồi hương tự phát như những ngày qua. Đồng thời, trước mắt tại những địa bàn đang giãn cách phòng, chống dịch phải đảm bảo cuộc sống tối thiểu như cung cấp nhu yếu phẩm, vận động người cho thuê nhà miễn tiền trong thời gian giãn cách, phong tỏa cho những người lao động từ các tỉnh về làm việc, sinh sống tại các tỉnh đang là tâm dịch phía Nam", đại biểu này nhấn mạnh.
Theo vị GS này, điều này sẽ góp phần đảm bảo các giải pháp an toàn và tạo niềm tin, sự yên tâm cho những người ở lại không chọn cách hồi hương tự phát.