Theo Chỉ số Hưu trí Toàn cầu Melbourne Mercer (MMGPI) năm 2019, Hà Lan và Đan Mạch là hai nước sở hữu hệ thống hưu trí tốt nhất thế giới với xếp hạng A và điểm số lần lượt là 81 và 80,3.
Australia đứng thứ 3 trong danh sách với xếp hạng B+. Những quốc gia còn lại trong top 10 với xếp hạng B gồm có Phần Lan, Thuỵ Điển, Na Uy, Singapore, New Zealand, Canada và Chile.
Khảo sát trên được thực hiện với 37 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm gần 2/3 dân số toàn cầu, sử dụng 40 tiêu chí để đánh giá những lợi ích về tài chính dành cho người về hưu, tính bền vững và niềm tin từ cộng đồng đối với hệ thống hưu trí. Năm nay, khảo sát này thêm 3 nước là Philippines, Thái Lan và Thổ Nhĩ Kỳ.
Hà Lan tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu trong khảo sát năm nay khi hầu hết người lao động nước này được hưởng lợi từ kế hoạch hưu trí dựa trên thu nhập trung bình suốt quá trình làm việc của họ.
Trong khi đó, cả Anh và Mỹ đều được xếp hạng C+, lần lượt giữ vị trí thứ 14 và 16 với điểm số lần lượt là 64,4 và 60,6. Theo báo cáo khảo sát, cả hai nước đều có thể nâng hạng bằng cách tăng lương tối thiểu cho những người về hưu có thu nhập thấp.
Nhật Bản xếp thứ 31 trong danh sách với 48,3 điểm, thuộc hạng D - thứ hạng cho thấy "những điểm yếu hơn và/hoặc những thiếu sót cần phải giải quyết". Lời khuyên quan trọng dành cho Nhật là tăng tuổi nghỉ hưu khi tuổi thọ trung bình của nước này tiếp tục tăng.
Theo báo cáo khảo sát, Thái Lan là nước đứng cuối bảng với 39,3 điểm và được khuyến nghị đưa ra mức tiết kiệm hưu trí bắt buộc tối thiểu và tăng cường hỗ trợ với những người nghèo nhất.
Khảo sát này được thực hiện trong bối cảnh các nhà hoạch định chính sách trên toàn cầu đang loay hoay với ngày càng nhiều người bước vào độ tuổi nghỉ hưu, tuổi thọ cao hơn và cần một nguồn thu nhập ổn định để duy trì cuộc sống. Theo dữ liệu của Liên Hợp Quốc (UN), khoảng 1/5 dân số toàn cầu được dự báo sẽ bước vào tuổi nghỉ hưu vào năm 2070.
"Hệ thống hưu trí trên khắp thế giới đang đối mặt với tình hình tuổi thọ cao chưa từng thấy và áp lực ngày càng lớn đối với nguồn lực công để hỗ trợ phúc lợi và y tế cho người già", David Knox, tác giả của báo cáo trên và cũng là đối tác cấp cao của Mercer. "Các nhà hoạch định chính sách sẽ phải đối mặt với những điểm mạnh và điểm yếu trong hệ thống hưu trí, nhằm đảm bảo phúc lợi dài hạn dành cho những người về hưu trong tương lai".
Theo khảo sát này, dù hệ thống hưu trí tại nhiều nơi ở châu Á như Hàn Quốc, Hồng Kông, Indonesia, Malaysia..., đã có cải thiện nhiều so với năm ngoái, nhưng vẫn có tình trạng thiếu minh bạch và người lao động không thể tiết kiệm đủ tiền để nghỉ hưu.