Muốn phá vỡ vòng luẩn quẩn
Huyện Ea H’leo có diện tích hồ tiêu lớn nhất Đắk Lắk hiện đang rơi vào cảnh trồng-chặt do dịch bệnh, năng suất thấp, giá cả giảm sâu. Anh Phạm Văn Chử (buôn Briêng, xã Ea Nam, huyện Ea H’leo) cho biết, nhà có 6 ha đất trồng cà phê, hồ tiêu. Tuy nhiên, cà phê đã già cỗi, cây tiêu bị bệnh nên loay hoay với bài toán chọn loại cây trồng.
Điệp khúc trồng - chặt từng xảy ra với cây cao su, nay lặp lại ở hồ tiêu. Giờ người dân đổ xô trồng cây ăn quả (chủ yếu sầu riêng và bơ). Việc trồng tự phát, theo phong trào sẽ phá vỡ quy hoạch, nhà nông gặp nhiều rủi ro. Do đó, tôi rất mong Nhà nước hỗ trợ vốn, hướng dẫn kỹ thuật tái canh cà phê cũng như quy hoạch vùng trồng để ngăn điệp khúc trồng - chặt tái diễn”, anh Chử chia sẻ.
Tương tự, nông dân Phạm Văn Khang (xã Đắk Buk So, huyện Tuy Đức, Đắk Nông) cũng đồng quan điểm về việc quy hoạch vùng phát triển cây trồng phù hợp. Anh Khang nêu dẫn chứng, Tuy Đức nổi tiếng với thương hiệu khoai lang nhưng đang lu mờ do “khoai đất lạ, mạ đất quen”. Hiện nông dân đang chuyển sang trồng hồ tiêu, cà phê và cây, rau màu. Tuy nhiên sản xuất của nhà nông còn manh mún, mang tính chất tự phát, khó tiêu thụ sản phẩm.
Ngoài ra, anh Khang cũng mong được giải quyết dứt điểm vấn đề về đất đai. “Tôi dựng nhà, mở đất từ năm 2002 (khi Đắk Nông chưa tách ra khỏi tỉnh Đắk Lắk) nhưng đến nay chưa làm được giấy tờ. Cán bộ hẹn lên hẹn xuống với nhiều thủ tục nhiêu khê khó hiểu. Tôi đã bị mất nhiều cơ hội hợp tác với các công ty lớn để đầu tư phát triển chăn nuôi vì đất đai không giấy tờ”, anh Khang cho hay.
Nỗi niềm nông dân
Vừa làm nông, kiêm đại lý thu mua nông sản, anh Nguyễn Sỹ Thanh (phường Quang Thành, TP Gia Nghĩa, Đắk Nông) thấu hiểu khó khăn về nguồn vốn của nông dân. Theo anh Thanh, nông dân chủ yếu trồng hồ tiêu và cà phê nhưng cả 2 loại cây này đang “chết yểu”. Nhiều người đã bỏ vườn tược, nhà cửa đi nơi khác kiếm sống; Số còn lại cũng xoay đủ cách, cầm cự mong qua giai đoạn khó. Đến dự Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân sắp tới, anh Thanh mong cơ chế khoanh, giảm, giãn nợ, cho vay vốn ưu đãi để nhà nông cơ hội tái sản xuất.
Giống cây trồng là vấn đề sống còn nên nhiều nông dân đã “khóc ròng” khi mua phải giống rởm. Ông Phạm Mạnh, đến từ thủ phủ rừng trồng huyện M’đrắk (Đắk Lắk) cho biết, đã từng mua phải 35 nghìn cây keo giống rởm bán trôi nổi trên thị trường. Sau 2 năm trồng, cây chết trụi, ông phải tốn tiền, công sức, thời gian trồng lại.
“Đắk Lắk có diện tích trồng rừng keo rất lớn nhưng chưa có trung tâm nghiên cứu sản xuất giống keo. Chúng tôi phải mua của đại lý nhập giống từ các tỉnh khác, do đó khó kiểm soát được chất lượng”, ông Mạnh nói. Ngoài ra, ông mong muốn cơ quan chức năng hỗ trợ trồng rừng. Bản thân ông có hơn 100 ha rừng trồng keo, giấy tờ rõ ràng nhưng bao năm qua chưa nhận được một đồng hỗ trợ từ chính sách trồng rừng.
Cần định hướng lấy lại vị trí số 1 của hồ tiêu