Kể từ năm 2019 đến nay, hạn mặn, rồi Covid-19, và trước đó là dịch tả lợn châu Phi liên tục tàn phá ngành nông nghiệp.
3 nỗi khổ của nông nghiệp thời Covid-19
Nỗi khổ thứ nhất, và lớn nhất của nông nghiệp Việt, cũng là nỗi khổ mà ai cũng nhìn thấy chính là cầu suy giảm. Trước là nhu cầu của các quốc gia đối tác lớn đang suy giảm nghiêm trọng. Sau đó, ảnh hưởng do việc buôn bán trong nước hạn chế tiếp tục làm cầu giảm thêm. Kể cả khi người dùng tăng tích trữ trong ngắn hạn, cầu cũng không thể thay đổi ngay được để đáp ứng sản lượng lớn hàng dư thừa do không thể xuất khẩu.
Thứ hai, bên cạnh việc cầu giảm là gián đoạn của ngành logistics. Mới đây, trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, một số địa phương phía Trung Quốc đã tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch bệnh và ngăn chặn lây nhiễm từ nước ngoài vào nội địa.
Theo chuyên gia này, thủ tục để kiểm dịch rất khó, lao động thiếu. Trung Quốc siết cửa khẩu vì bản thân họ cũng đang phải kiểm soát dịch bệnh. Ở Trung Quốc vẫn còn "ngăn sông, cấm chợ’, khi nhập hàng hóa về, nếu không luân chuyển được, kho bãi cũng chưa hoạt động, thì họ cũng không thể buôn bán. Từ đó, Việt Nam cũng bị kéo theo ảnh hưởng.
Cái khó thứ ba chính là sự thay đổi trong nhu cầu của người dân trong đại dịch. Khi đại dịch xảy ra, con người sẽ thu hẹp nhu cầu lại về những thứ căn bản nhất, và tạm ngừng tất cả những thứ không thiết yếu. Mà mặt hàng nông sản để gọi là không thiết yếu của Việt Nam rất nhiều.
Đồ gỗ là không thiết yếu, cao su không thiết yếu, cà phê, hồ tiêu, hạt điều… tất cả những mặt hàng này đều chiếm tỷ trọng rất lớn trong nông nghiệp Việt Nam. Đây có thể là mặt hàng coi là không thiết yếu với các bạn hàng, nhưng đối với nước xuất khẩu nông sản là Việt Nam, thì đây lại là những ngành có đóng góp rất quan trọng.
Ngay cả các mặt hàng như thủy hải sản, rau củ quả trong thời gian tới, theo chuyên gia này, cũng sẽ gặp khó khăn rất lớn. Vì nếu không xuất được ra các thị trường trọng điểm, mặt hàng tươi sống của Việt Nam sẽ không bảo quản được.
Khó có thể lạc quan trong ngắn hạn
Theo vị này, nông nghiệp là một ngành có rủi ro cao: "Nói nông dân khổ vì Covid-19 chỉ đúng một phần, vì họ khổ từ lâu rồi, trước cả hạn mặn, họ đã điêu đứng từ khi có dịch tả lợn".
Dịch tả lợn châu Phi đã khiến cho người chăn nuôi lao đao từ năm 2019, đến nay vẫn còn rất nhiều tác động khác như khó khăn kỹ thuật, tái đàn, vốn… Hay như tình trạng hạn hán trên sông Mekong năm nay sẽ rất gay gắt, đã lâu không diễn ra tình trạng này.
Chuyên gia cho rằng, việc phụ thuộc vào một vài thị trường, đặc biệt là Trung Quốc và Mỹ đã là câu chuyện muôn thuở. Có thể nói đây là điểm yếu cố hữu của nông nghiệp Việt. Hiện tại không thể tái cơ cấu, đa dạng hóa được ngay trong ngắn hạn. Nếu muốn thay đổi, nâng cao giá trị sản phẩm, đa dạng hóa thị trường thì phải tính tầm nhìn dài hạn và phải làm cho đến nơi đến chốn.
Người nông dân cũng không thể ngừng sản xuất trong thời gian này vì đã gần đến vụ thu hoạch. Chuyển đổi ngay sang việc chế biến cũng không phải câu chuyện đơn giản, nói là có thể làm ngay. Các chính sách hỗ trợ hiện tại tập trung rất nhiều vào doanh nghiệp, trong khi người nông dân thì chưa thực sự chạm được tới. Phần hỗ trợ cho người nghèo chỉ có thể giúp họ cầm cự để sống sót trong thời gian ngắn, chứ về lâu dài, nếu không khôi phục được được thị trường, đầu ra thì vấn đề vẫn không giải quyết được triệt để.
Chuyên gia này cho biết khó có thể bình luận hay đưa ra giải pháp mang tính lạc quan tích cực trong ngắn hạn. Kể cả những biện pháp “giải cứu” nông sản cũng chỉ là nhất thời, nông dân không thể cứ mãi trông chờ vào đó.
Doanh nghiệp cũng khó có thể cứu được nông dân. "Chính những doanh nghiệp "dũng cảm" làm nông nghiệp đang là những người chịu thiệt hại vì Covid-19 nặng nề nhất!" – chuyên gia chia sẻ. "Ngay cả khi chưa có Covid-19, kiên trì nhất, dũng cảm nhất như Vinamilk, TH True Milk hay một số doanh nghiệp lớn khác cũng chỉ là số ít".
Chuyên gia này cho biết, các doanh nghiệp, các tổ chức nông dân, trong thời điểm này khi chưa thể hoạt động bình thường trở lại, họ đang chuẩn bi thủ tục, xây dựng đề án cho vùng nông nghiệp công nghệ cao, chuyển sản xuất manh mún sang quy mô lớn. Ở thời điểm này, việc tốt nhất có thể làm là tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục để người nông dân có thể xây dựng các khu nông nghiệp công nghệ cao, tạo đà hồi phục sau dịch.