Sinh ra và lớn lên trên vùng đất nghèo khó bản Sài Lương 1, vùng đất cằn cỗi này từng làm nản lòng bao người nông dân ôm mộng làm giàu. Quanh năm một nắng hai sương “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nhưng cuộc sống của ông Địa vẫn bị cái nghèo đeo bám...
Từ 1 hộ gia đình nghèo có hoàn cảnh khó khăn, ông Địa đã vươn lên thoát nghèo nhờ nuôi cá.
Đất dốc, bạc màu, trồng cây ngô không ra bắp, cây sắn không ra củ; chăn nuôi lợn thì dịch bệnh cộng với thịt lợn hơi luôn biến động, khiến cuộc sống của gia đình ông gặp khó khăn hơn bao giờ hết.
Với ý chí vượt khó, không cam chịu cái nghèo, ông Địa đã đào ao thả cá để phát triển kinh tế theo hướng mới. Khoảng vài năm sau, cuộc sống của gia đình ông đã đổi thay và bước sang trang mới, thu nhập kinh tế ngày càng khá giả nhờ nuôi cá.
Dẫn chúng tôi thăm quan một vòng khu trang trại, ông Địa ngừng lại, vén tay áo lau mồ hôi rồi kể: “Nhiều năm trước, gia đình tôi chủ yếu trồng ngô sắn nhưng hiệu quả kinh tế không cao, đất thì ngày càng bạc màu, năng suất ngô, sắn thấp. Thậm chí số tiền bán ngô, bán sắn không đủ bù lại chi phí bỏ ra, khiến kinh tế của gia đình tôi lâm vào khó khăn.
Tôi nghĩ, nếu cứ làm theo lối cũ thì kinh tế gia đình cũng chẳng khá lên được. Sau nhiều ngày thức trắng đêm, trăn trở tìm hướng đi mới, sao cho cải thiện được cuộc sống gia đình. Tôi đã nghĩ đến việc đào ao thả cá để phát triển kinh tế, vì ngay cạnh vườn có con suối nhỏ chảy quanh năm rất tiện lợi cho việc nuôi cá...".
Ao của ông Địa rộng 9.000m2, nuôi các loại cá, như: Chép, trắm cỏ, rô phi.
Nghĩ là làm, ông Địa thuê máy xúc đào ao rộng 9.000m2 thả cá chép, trôi, rô phi, mè... với mong muốn đưa gia đình thoát nghèo. Khi đó nhiều người can ngăn ông vì ai đời lại đào ao trên núi để thả cá.
Ban đầu mới chuyển sang nuôi cá, ông Địa chưa có nhiều kinh nghiệm trong kỹ thuật nuôi cá. Ông phải tự mày mò, tự đúc rút kinh nghiệm từ các chuyến đi thực tế và qua các lớp tập huấn của Hội Nông dân huyện Mai Sơn, hội thảo khuyến nông ở địa phương, để áp dụng vào chăm sóc ao cá và đã đạt được kết quả tích cực.
Đến vụ thu hoạch cá, nhiều thương lái đến tận ao ông Địa thu mua với giá cao. Vì vậy đầu ra cho sản phẩm cá của gia đình ông tương đối ổn định.
“Để đàn cá nuôi trong ao phát triển tốt và đạt chất lượng cao, hàng ngày tôi thường xuyên theo dõi, kiểm tra trọng lượng cá và các bệnh phát sinh. Một ngày tôi cho cá ăn 2 lần vào buổi sáng và tối. Thức ăn cho cá chủ yếu là cỏ voi, lá chuối và cám ngô, tôi rất hạn chế dùng cám công nghiệp, thuốc tăng trọng cho cá. Trong quá trình chăm sóc tôi thường xuyên quan sát lượng thức ăn thừa thiếu trong các lồng, để điều chỉnh tăng giảm lượng thức ăn cho phù hợp.
Chính vì vậy mà cá của gia đình tôi luôn sinh trưởng tốt, bảo đảm chất lượng sạch, tươi ngon được rất nhiều khách hàng ưa chuộng. Đến vụ thu hoạch cá, nhiều thương lái đến tận ao nhà tôi thu mua, chứ tôi không phải mang ra chợ bán nên rất nhàn và đỡ 1 khoản chi phí vận chuyển”, ông Địa chia sẻ.
Từ khi đào ao, thả cá trên núi, thu nhập của ông Địa không ngừng tăng cao. Cuộc sống của gia đình ông ngày càng sung túc, con cái đều được ăn học và thành đạt.
Hàng năm cứ đến tháng 5 - 6 dương lịch, ao cá nhà ông Địa bắt đầu cho thu hoạch, các tiểu thương ngoài huyện và TP. Sơn La về tận ao thu mua với số lượng lớn. Vì vậy, đầu ra cho sản phẩm cá của gia đình ông luôn ổn định, đem lại thu nhập cao cho gia đình.
Ông Địa cho biết: “Tôi bán cá trắm cỏ 100.000 – 120.000 đồng/kg, cá chép là 90.000 đồng/kg, rô phi 80.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí chăm sóc, tôi thu lãi gần 160 triệu đồng/năm. Hiện cuộc sống của gia đình tôi đã khá giả và có của ăn để”.