Đơn cử, giới hạn về tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài tại các TCTD Việt Nam. Và trong bối cảnh nhiều NHTM đang rất cần tăng vốn để đáp ứng các quy định an toàn hoạt động đồng thời tiệm cận các chuẩn mực quốc tế hiện nay không ít kiến nghị đã đề cập đến giải pháp nới room ngoại tại các ngân hàng Việt. Không chỉ vấn đề này mà trong cả quá trình tái cơ cấu TCTD đang diễn ra mạnh mẽ cơ quan quản lý luôn đánh giá vai trò của các nhà đầu tư nước ngoài khá quan trọng.
Ảnh minh họa |
Trong các buổi làm việc với các tổ chức tài chính quốc tế, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng nhiều lần khẳng định Việt Nam khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài tích cực tham gia vào quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. NHNN sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ kịp thời và phù hợp cho các nhà đầu tư nước ngoài có mong muốn tìm hiểu cơ hội đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam…
Về vấn đề này, Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 cũng đặt ra: Nghiên cứu, sửa đổi, hoàn thiện quy định về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của các TCTD Việt Nam theo hướng tăng tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài đối với từng loại hình TCTD phù hợp với các cam kết quốc tế đã ký kết nhằm tăng cường huy động nguồn lực về vốn, công nghệ, quản trị của nhà đầu tư nước ngoài; đồng thời khuyến khích nhà đầu nước ngoài tham gia xử lý TCTD yếu kém...
Như vậy chủ trương chung của ngành Ngân hàng là dần mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài. Thực tế nhiều TCTD Việt Nam đã và đang không ngừng tìm kiếm đối tác chiến lược là nhà đầu tư nước ngoài. Những cuộc “hôn nhân” khác quốc tịch tuy có lúc này, lúc khác nhưng nhìn chung là tốt đẹp, mang đến lợi ích cho cả hai bên. Cùng với nỗ lực tự thân, năng lực tài chính của các TCTD tiếp tục được củng cố, vốn điều lệ tăng dần qua các năm. Đến cuối tháng 4/2019, vốn điều lệ của toàn hệ thống đạt 582.379 tỷ đồng; tổng tài sản của hệ thống ngân hàng đạt hơn 11.214.678 tỷ đồng tăng 1,36% so với cuối năm 2018.
Hiện ngân hàng vẫn gánh trọng trách chính trong việc cung ứng vốn cho nền kinh tế mà trong đó vai trò của các NHTM Nhà nước là vô cùng quan trọng. Hiện tổng tài sản của bốn NHTM (Vietcombank, BIDV, Agribank, VietinBank) đã chiếm 44% toàn hệ thống ngân hàng; dư nợ tín dụng chiếm gần 50%. Chính vì yếu tố đặc thù này của nền kinh tế nói chung và vai trò của các NHTM nhà nước nói riêng trong toàn hệ thống khiến cơ quan quản lý rất thận trọng trong việc nới room ngoại tại các NHTM lớn này khi Vietcombank và VietinBank từng đề xuất nới room lên lần lượt 35% và 40% để có thể tăng thêm vốn, nâng hệ số an toàn vốn.
Mặt khác, các số liệu trên cho thấy, trong hệ thống ngân hàng nói riêng và hệ thống tài chính nói chung, bốn NHTM nhà nước có vị trí đặc biệt quan trọng trong thực thi vai trò cung ứng vốn cho nền kinh tế, đáp ứng nhu cầu phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế quốc gia.
Bên cạnh đó, các NHTM nhà nước còn là lực lượng tiên phong, đầu tàu trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Nhà nước đồng thời là công cụ hỗ trợ dẫn dắt thị trường và góp phần thực hiện chính sách tiền tệ, phục vụ mục tiêu ổn định vĩ mô.
Liệu có bao nhiêu tổ chức tài chính nước ngoài hay các NHTMCP nhỏ trong nước sẵn sàng hy sinh lợi ích để thực hiện các chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội như: hỗ trợ vốn, lãi suất cho các trường hợp thiên tai, lũ lụt; cho các lĩnh vực ưu tiên (vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro); hoặc hỗ trợ cho các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của Chính phủ?…
Do đó, trong những trường hợp cần thiết, NHNN nắm giữ cổ phần chi phối lớn tại các NHTM để điều tiết thị trường, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô là cần thiết. Việc cần làm để tăng hiệu quả quản lý nhà nước là tăng cường công tác quản lý, giám sát phần vốn nhà nước tại các TCTD do NHNN làm đại diện chủ sở hữu; Củng cố, hoàn thiện cơ chế người đại diện phần vốn nhà nước tại các NHTM Nhà nước nắm cổ phần chi phối, tăng cường trách nhiệm, hiệu quả hoạt động của người đại diện, duy trì, bảo đảm cơ chế trao đổi thông tin, báo cáo, uỷ quyền phù hợp với quy định của pháp luật và tình hình hoạt động của TCTD.
Việt Nam có mức tăng trưởng kinh tế cao, chính trị ổn định, vị thế trên thế giới ngày càng nâng cao, cộng thêm chủ trương “Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế...” khiến cho chúng ta trở thành mảnh đất hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.
Riêng trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng Việt Nam cùng với các nước ASEAN đã ký kết Hiệp định khung ASEAN, Nghị định thư về tự do hóa dịch vụ tài chính; Các cam kết khác đã và đang được Việt Nam thực hiện mở cửa theo lộ trình... Đó là những yếu tố khiến các nhà đầu tư nước ngoài muốn nhanh chóng được nới room để có cơ hội sở hữu thêm cổ phần tại các tổ chức tài chính, ngân hàng - huyết mạch của nền kinh tế. Là chủ nhà hiếu khách, chúng ta có thể đối đãi với các nhà đầu tư tốt nhất có thể, như câu “hãy cứ tự nhiên như ở nhà” nhưng dù có cởi mở đến đâu khách vẫn là khách, chúng ta vẫn phải giữ vị thế chủ nhà.